Thứ năm, 21/03/2024 14:04 GMT+7

Suy nghĩ gì về sự kiện 40 năm Lò Đà Lạt ?

Hôm nay 20 tháng 3 năm 2024 kỷ niệm 40 năm lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoạt động trở lại sau khi hoàn thành công trình khôi phục và mở rộng lò Đà Lạt cũ (lò TRIGA MARK II) với sự giúp đỡ của Liên Xô. Với một cảm xúc dâng trào khi nghĩ về những ngày này của 40 năm về trước và những năm sau này khi ở vị trí người lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam được làm việc với các anh chị ở nơi đây, rất muốn viết một cái gì đó để lưu lại ký ức của giây phút này. Tuyển tập “Ký ức người trong cuộc” được xuất bản dịp này đã ôn lại bao nhiêu kỷ niệm ở các góc nhìn khác nhau từ người lãnh đạo cao nhất của Viện Đà Lạt lúc bấy giờ là Giáo sư Viện trưởng Phạm Duy Hiển cho đến một số anh em cán bộ làm ở các bộ phận khác nhau để mọi người hiểu hơn về các khó khăn, vất vả và các thành công của chúng ta ngày ấy cũng như hiện nay liên quan đến lò Đà Lạt. Phần nhiều thông tin từ “Ký ức người trong cuộc” là nói về các vấn đề chuyên môn. Tôi xin được mượn 4 chữ “Vui, Mừng, Duyên, Nợ” để chia sẻ cảm xúc của bản thân cũng như nói hộ một số anh chị em về sự kiện này cùng mọi người.

1. Vui

Được gặp lại bao nhiêu anh chị em, bạn bè đồng nghiệp, có những người phải trên 30 năm, đó chẳng phải là niềm vui lớn sao? Rất may nhờ có internet mà nhiều anh chị em mặc dù không được “kiến kỳ hình”, nhưng lại đã từng được giao lưu trên không gian mạng của facebook hay zalo.  Trong số những người đó, anh Tôn Thất Côn là người lâu nhất chưa được gặp lại vì anh đã định cư bên Mỹ sau khi nghỉ hưu. Anh Côn vốn là cán bộ cũ của Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt thời Việt Nam Cộng hòa. Anh là người đã dạy cho chúng tôi cách sử dụng IN-90 như thế nào và trực tiếp kiểm tra cấp chứng chỉ để được làm việc trên hệ phổ kế kiêm máy tính hiện đại nhất của Việt Nam lúc bấy giờ (cả nước có 2 chiếc, 1 của Viện Vật lý và 1 của Viện Đà Lạt). Tôi còn nợ anh Côn “sợi xích thẳng” nối liền hai câu thơ “40 Trăng mật, Duyên lành hạt nhân” mà anh đã tặng tôi nhân dịp 40 năm một chặng đường của chúng tôi. Nhiều anh chị đã từng nói ngày xưa rất ngại khi phải gặp các lãnh đạo, nhất là Giáo sư Viện trưởng, nhưng sau khi các anh lãnh đạo trở về làm “người tử tế” thì lại rất chân tình, cởi mở và gần gũi. Bây giờ được gặp lại các anh lãnh đạo kể cả Giáo sư Viện trưởng “uy nghi một vùng” ngày ấy cũng thấy thật đầm ấm. Có nhiều anh chị em ngày xưa chẳng mấy khi thấy phát biểu chứng kiến của mình thì nay trên facebook lại có nhiều bình luận rất sắc sảo về cuộc sống. Có lẽ khi ấy lãnh đạo kể cả bản thân tôi chưa nhận ra các tiềm năng này của anh chị hoặc lãnh đạo đã làm thui chột các tiềm năng này chỉ để đến khi được tự do thì tiềm năng đó mới phát triển được. Rất vui được giao lưu với các anh chị em này trên facebook như chị Thủy (tài vụ), chị Hoa (Đồng vị phóng xạ), chị Liên (sinh học),… Có những anh chị khi làm việc chỉ vì cơm áo gạo tiền hay danh lợi gì đó mà không vừa lòng nhau, nay còn gì đâu nữa mà mặt nặng mày nhẹ, đã tay bắt mặt mừng để cuộc đời được thanh thản, an vui. Vui buồn là cặp phạm trù, như hai mặt đối lập lại cùng tồn tại. Vui thật đấy, nhưng không thể không buồn vì mới hôm nào còn gặp nhau ở kỷ niệm 35 năm hoặc gần hơn, nhưng nay một số anh chị đã rời cõi tạm trần gian về với thế giới người hiền rồi. Phải thấu hiểu được nỗi buồn thì mới trân quý niềm vui của ngày gặp mặt và chờ đợi cho những lần gặp tiếp theo. Rất mong mọi người tìm được nhiều niềm vui trong lần gặp mặt này và cùng nhau giao lưu chia sẻ để những lần gặp mặt sau niềm vui còn lớn hơn và có nhiều người tham dự hơn.

2. Mừng

Mừng thì đúng quá rồi. Ai mà chả mừng cho cơ ngơi của ngành hạt nhân ngày một khang trang và hiện đại. Mừng nhất là đội ngũ cán bộ và chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiến bộ hơn rất nhiều so với 40 năm trước. So với các lò nghiên cứu cùng gam công suất từ 250 kW đến 1000 kW trên thế giới và với nguồn lực đầu tư còn hạn chế của Nhà nước, nhưng chúng ta đã khai thác rất hiệu quả lò Đà Lạt phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tiềm lực ngành hạt nhân và vận hành an toàn một lò phản ứng có tuổi đời vào loại cao trên thế giới. Các chuyên gia về vật lý và kỹ thuật lò phản ứng của Viện Đà Lạt đã có thể sánh vai với các nước, kể cả nước tiến tiến, làm chủ hoàn toàn công cụ tính toán lò giúp cho việc thực hiện chuyển đổi thành công nhiên liệu từ độ giàu cao sang độ giàu thấp và làm chủ hoàn toàn các hệ thống công nghệ để có thể tăng thời gian vận hành lò (4500 giờ/năm gấp 3 lần trước đây) đáp ứng yêu cầu sản xuất dược chất phóng xạ khi mà trong nước không thể nhập khẩu được do dịch Covid. Các chuyên gia vật lý hạt nhân của Viện Đà Lạt với tuổi đời cũng chỉ trên dưới 40, nhưng đã chủ động thiết kế và lắp đặt các thiết bị để khai thác tất cả 4 kênh ngang của lò phản ứng. So với thế hệ trước, các chuyên gia vật lý hạt nhân trẻ hiện nay đã trưởng thành hơn, thiết kế lắp đặt các kênh dẫn dòng nơtron rất nhỏ gọn, tối ưu, triển khai các nghiên cứu tầm thế giới, đã có các công bố quốc tế ở tạp chí chuyên ngành hàng đầu như Physical Review và xây dựng lò Đà Lạt thành cơ sở đào tạo tiến sỹ vật lý hạt nhân thực nghiệm mạnh nhất ở trong nước với 100% bằng nội lực. Đó chẳng phải rất mừng và tự hào sao! Các chuyên gia hóa dược phóng xạ hiện nay của Viện Đà lạt đã sản xuất ra nhiều hơn về số lượng và chủng loại các đồng vị và dược chất phóng xạ so với trước đây đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước và còn xuất khẩu cho nước bạn Căm Phu Chia. Các phương pháp phân tích kích hoạt nơtron đã được phát triển trên lò Đà Lạt và ứng dụng hiệu quả phục vụ nhu cầu của đời sống xã hội. Lò Đà Lạt đã thực sự là công cụ giúp cho các trường đại học trong nước đào tạo cán bộ hạt nhân. Các nghiên cứu không gắn trực tiếp với lò phản ứng cũng đã có nhiều kết quả nổi bật như công nghệ bức xạ, sinh học phóng xạ góp phần phục vụ nhu cầu của đất nước. Mừng là đấy, nhưng cũng còn nhiều cái phải lo cho tương lai của Viện Đà Lạt. Lò của chúng ta thuộc loại cao tuổi, nếu xảy ra các sự cố hỏng hóc không thể khắc phục được thì các hoạt động gắn với lò và đội ngũ cán bộ liên quan sẽ làm gì? Nhiên liệu cần cho hoạt động của lò cũng là vấn đề, nhất là trong bối cảnh Nga, đối tác sản xuất nhiên liệu, đang bị thế giới cấm vận. Việc duy trì đội ngũ kế cận luôn là vấn đề ở các cơ sở nghiên cứu trong nước, không riêng gì Viện Đà lạt. Mừng là để lạc quan và lo là để chuẩn bị vững vàng tâm thế cho các thách thức ở phía trước để cho Viện Đà Lạt sẽ liên tục phát triển trong mọi hoàn cảnh. Tôi tin vào tương lai của Viện Đà lạt và tin tưởng vào thế hệ trẻ hiện nay của Viện.

3. Duyên

40 năm trước hơn 200 anh chị em chúng tôi đã tu tập về Đà Lạt để tham gia thực hiện Công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Tôi chắc rằng chẳng ai trong số hơn 200 người chúng tôi có thể biết trước tại sao mình lại vào Đà Lạt để làm cái việc này ngày ấy. Thế mà từng ấy con người chúng ta với nghề nghiệp khác nhau, quê quán khác nhau, học vấn khác nhau, sở thích cũng khác nhau lại tu tập về nơi đây, trên cao nguyên Lâm Viên, để đi chung một con thuyền hạt nhân. Không có bất kỳ ai ngẫu nhiên xuất hiện trên đường đời của chúng ta. Mỗi một người mà chúng ta gặp gỡ và có mối liên hệ với chúng ta trong cuộc đời này đều đại biểu cho một sự việc nào đó. Có lẽ họ cần xuất hiện để dạy cho chúng ta biết một điều gì đó, hoặc sẽ giúp chúng ta nhận ra điều gì đó. Vì vậy, tất cả những người xuất hiện trong cuộc đời của chúng ta, dù tốt hay xấu đều có ý nghĩa cả. Người Á Đông thường cho rằng sự gặp gỡ, kết hợp giữa con người, sự kiện trong cuộc đời này là có nguyên nhân như một yếu tố vô hình sâu xa ràng buộc. Yếu tố vô hình sâu xa ràng buộc đó chính là “Duyên”. Chính cái duyên do được tu trăm năm trước đã đưa hơn 200 người chúng tôi trên 4 thập niên trước về Đà Lạt để đi chung con thuyền hạt nhân và bây giờ đã trở thành những người bạn vong niên U70, U80 và U90, không phân biệt chức sắc, nghề nghiệp, bản quán. Mỗi năm cứ đến ngày kỷ niệm 20 tháng 3 là những người bạn vong niên này lại mong có những cuộc gặp mặt để được thấy nhau khi vẫn còn đủ sức khỏe đi Đà Lạt được. Mong rằng cái duyên đã đưa chúng ta đến Đà Lạt cách đây hơn 4 thập niên sẽ tiếp tục gắn kết chúng ta để làm sao “xa thì nhớ mà gặp nhau thì cười”.

4. Nợ

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà là 3 việc lớn của một đời người. Tôi cũng như nhiều anh chị em trong số hơn 200 người ngày ấy đều đã thực hiện được 3 việc lớn tại Viện Đà Lạt.

Từ một cậu sinh viên còn khờ dại khi vào Viện Đà Lạt, nhưng với sự giúp đỡ của mọi người, nhất là các anh lãnh đạo Viện và phòng Vật Lý và sự nỗ lực của bản thân, tôi đã trở thành một người có thể được gọi là chuyên gia về vật lý hạt nhân và một người đã từng đứng đầu Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Cục Aan toàn bức xạ và hạt nhân trong nhiều năm. Đấy chẳng phải là tôi đã tậu được một con trâu to đó sao?

Tháng 3 này, tháng 3 mùa con ong đi lấy mật ở Tây Nguyên, cũng như lò Đà Lạt, chúng tôi cũng kỷ niệm 40 năm một chặng đường. Nhờ có Viện và phòng Vật lý cử sang Trường Đại học Đà lạt dạy mà tôi đã quyết trổ tài một phen và không ngờ trong đám sinh viên, lại có cô “Kiều” nọ trở nên mơ màng. Và rồi để anh Mộng Sinh đã phải vất vả gắng sức mình làm cho đám cưới linh đình xảy ra. Mừng trong cuộc sống đơn sơ, đáng yêu giây phút đợi chờ bấy lâu. Há chẳng phải Viện Đà lạt đã kết tóc xe duyên cho chúng tôi đó sao?

Ngày nay mọi người thường hay phê phán chế độ bao cấp và phủ nhận hoàn toàn cơ chế này mà không thấy rằng nó cũng có những ưu việt của nó, trong đó có chế độ cấp đất đai nhà cửa cho cán bộ nhà nước. Tất cả hơn 200 người chúng tôi ngày ấy cơ bản đều đã được hưởng lợi từ cơ chế bao cấp về đất đai và nhà ở. Tôi cũng được Viện cấp cho một mảnh đất ở đường Sương Nguyệt Ánh trước khi chuyển ra Hà Nội và sau đó đã chuyển đổi để có được chỗ ở hiện nay cũng cơ bản hài lòng.

Vì vậy, không biết các anh chị cùng trang lứa ngày ấy thế nào, chứ bản thân tôi thì mắc nợ nghĩa tình với Viện Đà Lạt nhiều lắm, chẳng thể nào trả được. Nói đến nợ tình, tôi lại nhớ một lần cũng trong buổi gặp mặt đông đủ cán bộ Viện Đà lạt như thế này, GS Phạm Duy Hiển đã trích dẫn một câu Quan họ, quê hương của tôi, để nói về nợ tình: Nợ tiền đem trả thì vơi, Nợ tình đem trả ai ơi càng đầy. Thế thì làm sao lại nghĩ mình có thể trả được nghĩa tình cho Viện Đà Lạt!

Hôm nay trước tất cả anh chị em là cán bộ và nguyên là cán bộ của Viện Đà Lạt, Tôi chỉ có thể nói “Tôi yêu Viện Đà Lạt. Tôi trân trọng và yêu quý mọi người ở nơi đây”.  Mong có nhiều cuộc gặp mặt của những anh em đã từng gắn bó với lò Đà Lạt và cùng với anh em tìm đến mọi người để có được niềm vui của mỗi ngày. Và như thế chúng ta sống vui từng ngày. Và như thế cuộc đời vẫn còn có ý nghĩa với chúng ta.

Chúc mọi người có cuộc gặp mặt thực sự vui vẻ của lễ kỷ niệm 40 năm này. Chúng ta hãy trân quý những giây phút hạnh phúc của ngày gặp mặt năm nay. Hãy cảm ơn Trời vẫn cho chúng ta có ngày hôm nay để có thể gặp gỡ nhau và ngồi bên nhau trên thành phố ngàn hoa. Xin mượn câu thơ của Đại Thi Hào Nguyễn Du thay cho lời kết: Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Tác giả bài viết: PGS.TS Vương Hữu Tấn

Lượt xem: 856

Bài viết liên quan

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 13

Lượt truy cập: 1188825