Ngày 25-26/01/2024, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên họp thường kỳ của Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (KHCN&ĐT) Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) với mục tiêu tư vấn, góp ý, xác định phương hướng hoạt động về khoa học, công nghệ và đào tạo của Viện NLNTVN và Lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của ngành năng lượng nguyên tử (Nhiệm vụ Quy hoạch).
Các đại biểu tham dự họp Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đào tạo của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Tham dự phiên họp có: GS.TSKH. Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền, Phó Chủ tịch thường trực; TS. Trần Chí Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng. Hội nghị còn có sự tham gia của các đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu khoa học có học vị tiến sĩ đến từ các đơn vị trực thuộc.
Tại các phiên họp, Hội đồng đã nghe Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN trình bày các báo cáo sơ bộ các kết quả đạt được trong năm, định hướng nghiên cứu và phát triển của mỗi đơn vị trong giai đoạn 2025-2030. Thông qua các báo cáo, một khối lượng lớn các vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực NLNT, từ các hướng nghiên cứu cơ bản đến các hướng ứng dụng, triển khai và các hướng về chiến lược phát triển, Hội đồng đã được lắng nghe và thảo luận: Các nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn 2025-2030 của Viện NLNTVN – Kế hoạch triển khai dự án CNST; Đóng góp của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho phát triển kinh tế – xã hội trong 40 năm qua; Einstein, Oppenheimer, Landau et. al. và vật lý sao neutron; Kết quả hoạt động và định hướng nghiên cứu triển khai về đất hiếm, sa khoáng, nhiên liệu hạt nhân và xử lý thải xạ trong giai đoạn 2025-2030;Trao đổi về phát triển máy gia tốc ở Việt Nam;Tổ hợp máy gia tốc lớn trong nghiên cứu và ứng dụng – những điều cần làm rõ; Máy chiếu xạ EB: công nghệ và lộ trình nội địa hóa; Nghiên cứu và ứng dụng máy gia tốc điện tử năng lượng thấp; Nghiên cứu, chế tạo hệ thống/thiết bị hạt nhân tại Viện KH&KTHN trong thời gian qua; Định hướng nghiên cứu và sản xuất thuốc phóng xạ ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu; Sản xuất đồng vị phóng xạ trên máy gia tốc cyclotron tại Việt Nam: Hiện tại và hướng phát triển trong tương lai; Nghiên cứu nguồn nước và môi trường khu vực đồng bằng Nam bộ bằng kỹ thuật đồng vị thủy văn; Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu an toàn hạt nhân; Một số ý kiến về phát triển kỹ thuật hạt nhân trong khảo sát công nghiệp – Giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến 2050; Một số đề xuất về xây dựng Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia; Thông tin về Nhiệm vụ tư vấn Lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TS. Trần Chí Thành báo cáo tại buổi họp
TS. Phạm Quang Minh báo cáo tại buổi họp
GS.TS. Trần Đức Thiệp báo cáo tại buổi họp
GS.TS. Đào Tiến Khoa báo cáo tại buổi họp
TS. Lê Chí Dũng báo cáo tại buổi họp
TS. Nguyễn Hào Quang báo cáo tại buổi họp
Kết thúc phiên họp, Hội đồng KHCN&ĐT đã thông qua kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2030: Triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân (CNST); Triển khai xây dựng Mạng lưới Quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia (Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (INST), Viện Nghiên cứu hạt nhân (NRI), Trung tâm Hạt nhân Hồ Chí Minh (CNT), hoàn thiện căn cứ pháp lý, đảm bảo kinh phí vận hành và bảo trì; Triển khai thực hiện nhiệm vụ Lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Năng lượng nguyên tử, Viện NLNTVN, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo trong nước và quốc tế, Hợp tác với Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna; Đề án đào tạo 2395; Công tác đào tạo nghiên cứu sinh (Trung tâm Đào tạo hạt nhân): giữ các mã ngành đào tạo và mở các mã ngành mới mà Viện có năng lực; Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền trình bày kết luận của Hội đồng
Bên cạnh việc cần tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh trong các lĩnh vực truyền thống, Hội đồng cũng đã thảo luận và thống nhất về các nội dung mà Viện NLNTVN cần tập trung đẩy mạnh trong giai đoạn tới: Thực hiện các đề tài nghiên cứu theo định hướng ưu tiên của các đơn vị; Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên môi trường; Phát triển nghiên cứu cơ bản và ứng dụng vật lý hạt nhân; các hướng nghiên cứu ứng dụng sẽ thực hiện trên lò phản ứng nghiên cứu mới; nghiên cứu và mô phỏng phát tán phóng xạ trong môi trường nước biển; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu nước ngầm và biến đổi khí hậu.
Để triển khai tốt các hoạt động này, Hội đồng KHCN&ĐT Viện NLNTVN đã quyết định thành lập các nhóm nghiên cứu chủ chốt: nhóm quan trắc và phát tán phóng xạ do TS. Nguyễn Hào Quang phụ trách; nhóm Đồng vị bền do PGS. TS. Trịnh Anh Đức phụ trách; nhóm Nội địa hóa thiết bị gia tốc chùm tia điện tử do kỹ sư Nguyễn Thành Cương phụ trách; nhóm Đồng vị phóng xạ trên lò phản ứng do TS. Phạm Thành Minh phụ trách; nhóm Dược chất phóng xạ trên máy gia tốc do PGS. TS. Phan Việt Cương phụ trách; nhóm máy gia tốc lớn do TS. Lê Xuân Chung phụ trách và một số nhóm nghiên cứu khác.
Bên cạnh đó là nghiên cứu và phát triển công nghệ chế biến sâu sa khoáng biển; ứng dụng đất hiếm và một số sản phẩm chế tạo bằng công nghệ bức xạ trong lĩnh vực nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu rác thải nhựa vùng ven biển; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong an toàn hạt nhân, y học hạt nhân, và một số lĩnh vực khác./.
Nguồn tin: https://vinatom.gov.vn/