Bên cạnh nghiên cứu, lò phản ứng Đà Lạt còn là môi trường huấn luyện thực tế hiệu quả, giúp học viên tiếp cận hoạt động vận hành lò, kiểm soát công suất, thông lượng neutron, đảm bảo an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân, hoạt động bảo dưỡng sửa chữa, quản lý nhiên liệu và chất thải phóng xạ. Đặc biệt, các thí nghiệm vật lý trên lò giúp người học hiểu sâu về các quá trình diễn ra bên trong lò phản ứng năng lượng, tiếp cận thực tế với các quy trình đảm bảo an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố - những nội dung mang lại những trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm mà các hệ thống mô phỏng không thể thay thế. Đây là bước chuẩn bị quan trọng trước khi học viên tiếp cận lò phản ứng công suất và nhà máy điện hạt nhân.
Không chỉ có vậy, lò phản ứng Đà Lạt cũng có thể hỗ trợ huấn luyện hoạt động kiểm tra, hiệu chuẩn thiết bị đo bức xạ, cung cấp dữ liệu nghiên cứu vật lý lò, đánh giá và quản lý nhiên liệu,… Đặc biệt, đây còn là cơ sở huấn luyện hết sức phù hợp về an toàn bức xạ và hạt nhân, giúp học viên nắm vững quy trình kiểm soát phóng xạ và ứng phó sự cố trước khi làm việc tại các cơ sở hạt nhân. Kinh nghiệm vận hành an toàn, hiệu quả lò phản ứng Đà Lạt trong suốt hơn 40 năm qua cũng là một trong những tri thức, kinh nghiệm quý báu cho mục đích đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hạt nhân.
Làm gì để phát huy vai trò của lò phản ứng Đà Lạt?
Với hơn 40 năm vận hành an toàn và hiệu quả, lò phản ứng Đà lạt có thể trở thành nền tảng quan trọng giúp Việt Nam phát triển nhân lực cho các dự án điện hạt nhân trong tương lai. Đặc biệt với những gì tích lũy trong bốn thập niên này, Viện Nghiên cứu Hạt nhân có đủ tiềm năng để phát triển thành một cơ sở nghiên cứu và huấn luyện chuyên sâu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân trình độ cao, hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân.
Để phát huy khả năng của lò phản ứng Đà Lạt trong hỗ trợ đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân, thiết nghĩ cần có các giải pháp nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng và chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, nâng cao trình độ và nghiệp vụ sư phạm của những cán bộ tham gia vào công tác đào tạo. Dù có nguyên lý hoạt động tương đồng với lò phản ứng công suất nhưng lò nghiên cứu chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học và sản xuất đồng vị phóng xạ. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh phù hợp để đáp ứng yêu cầu huấn luyện nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân7.
Những giải pháp thiết thực bao gồm: Nâng cấp cơ sở vật chất: Cải thiện trang thiết bị nghiên cứu, chuẩn bị chỗ ăn ở sinh hoạt cho học viên và giảng viên ở xa đến nghiên cứu, đào tạo; Xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế: Xây dựng, chuẩn hóa các khóa học từ cơ bản đến chuyên sâu, bao gồm vận hành, bảo dưỡng, kiểm soát bức xạ và ứng phó sự cố; Chuẩn hóa bộ phận chuyên trách đào tạo: Quản lý và tổ chức chương trình một cách chuyên nghiệp, tối ưu việc sử dụng LPUHNĐL trong hoạt động huấn luyện.
Hiện nay, Quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử của Việt Nam đã đề cập vai trò đào tạo nhân lực cho Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia với lò phản ứng mới. Tuy nhiên, để tận dụng sức đóng góp của một thiết bị nghiên cứu quan trọng sẵn có và những know-how đã được tích lũy theo thời gian như lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, hẳn vai trò của lò phản ứng này cần được xét đến trong việc phát triển nguồn nhân lực cho chương trình điện hạt nhân trong tương lai. Nhờ đó, Viện Nghiên cứu hạt nhân sẽ có cơ sở để tăng cường đầu tư vào đào tạo, bao gồm kinh phí, cơ chế hợp tác và chính sách thu hút nhân tài. Một số quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đã thành công trong việc lồng ghép chương trình đào tạo nhân lực vào chiến lược phát triển điện hạt nhân, giúp đảm bảo đội ngũ chuyên gia sẵn sàng khi dự án mở rộng.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, TS. Nguyễn Kiên Cường
Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/nganh-khoa-hoc-va-cong-nghe-nhung-ky-vong-o-tuong-lai/20250109081953532p1c160.htm
Tài liệu tham khảo
[1] International Atomic Energy Agency (IAEA), The Role of Research Reactors in Introducing Nuclear Power, Available: https://www.iaea.org/sites/default/files/gc/gc56inf-3-att5_en.pdf, [Accessed: 04-Mar-2025].
[2] International Atomic Energy Agency (IAEA), Technical Report Series No. 482: History, Development and Future of TRIGA Research Reactors, Available: https://www-pub.iaea.org/MTCD/Publications/PDF/trs482web-68751096.pdf, [Accessed: 04-Mar-2025].
[3] International Atomic Energy Agency (IAEA), Safety of Research Reactors, IAEA Safety Standards Series No. SSR-3, Vienna, 2016. Available: https://www.iaea.org/publications/11031/safety-of-research-reactors, [Accessed: 04-Mar-2025].
[4] International Atomic Energy Agency (IAEA), Safety of Nuclear Power Plants: Design, IAEA Safety Standards Series No. SSR-2/1 (Rev. 1), Vienna, 2016. Available: https://www.iaea.org/publications/10885/safety-of-nuclear-power-plants-design, [Accessed: 04-Mar-2025].
[5] OECD Nuclear Energy Agency (OECD-NEA), The Safety of Nuclear Installations, OECD Publishing, 2010. Available: https://www.oecd-nea.org/jcms/pl_14990/the-safety-of-nuclear-installations, [Accessed: 04-Mar-2025].
[6] Commissariat à l’Énergie Atomique et aux Énergies Alternatives (CEA), Research Nuclear Reactors, 2012. Available: https://www.cea.fr/english/Documents/scientific-and-economic-publications/nuclear-energy-monographs/CEA_Monograph9_Research-nuclear-reactor_2012_GB.pdf, [Accessed: 04-Mar-2025].
[7] J. Ha, I.C. Lim, S.Y. Oh, S. Wu, Research Reactor: A Powerhouse of Nuclear Technology in Korea. Available: https://www-pub.iaea.org/MTCD/publications/PDF/P1575_CD_web/datasets/papers/F4%20Ha.pdf, [Accessed: 04-Mar-2025].
Bài đăng KH&PT số 1334 (số 10/2025)