Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công về công nghệ hạt nhân của Hàn Quốc là việc thiết kế và vận hành chính sách đúng đắn về nguồn nhân lực hạt nhân trong nhiều thập kỷ. Vậy. Việt Nam có thể học hỏi gì từ thành công đó ?
Một chuyên gia Hàn Quốc (trái) trao đổi với các kỹ sư tại về lò phản ứng thứ 4 của nhà máy điện hạt nhân Barakah, UAE. Nguồn: agbi.com
Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn là một ví dụ tiêu biểu về việc một quốc gia từ chỗ nhập khẩu công nghệ hạt nhân vào những năm 1960 để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trở thành một trong hai quốc gia châu Á xuất khẩu công nghệ hạt nhân ra thế giới. Để làm được điều này, Hàn Quốc đã quy hoạch các hoạt động hạt nhân theo hai lĩnh vực chính: công nghiệp hạt nhân (gồm điện hạt nhân, sản xuất, ứng dụng đồng vị phóng xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế) và lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Có thể thấy, việc quy hoạch này trước hết là nhằm mục tiêu phát triển công nghiệp (phát triển điện hạt nhân đảm bảo an ninh năng lượng, sản xuất và ứng dụng đồng vị phóng xạ) và các hoạt động hỗ trợ (nghiên cứu, đào tạo) đảm bảo cho mục tiêu phát triển công nghiệp được hiệu quả.
Trong chiến lược phát triển, Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa điện hạt nhân chiếm khoảng 41% tổng sản lượng điện vào năm 2030, qua đó hạn chế được nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí CO2 và đảm bảo an ninh năng lượng1. Do đó, việc đảm bảo nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng là một trong những yêu cầu quan trọng đảm bảo cho các mục tiêu phát triển công nghiệp hạt nhân, nghiên cứu và đào tạo. Hàn Quốc đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ chính sách pháp luật, các chương trình đào tạo và phát triển nhân lực, đến các cơ chế tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực, tăng cường sự cạnh tranh toàn cầu và dự báo chính xác nhu cầu về nguồn nhân lực trong trung và dài hạn cho ngành hạt nhân2. Chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc có thể là tư liệu quan trọng trong việc quy hoạch và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong tầm nhìn dài hạn.
Thiết kế một chính sách toàn diện
Để đảm bảo tính pháp lý, Hàn Quốc đã sửa đổi Luật Năng lượng Nguyên tử (NLNT) năm 1995 để thiết lập kế hoạch “Khuyến khích năng lượng hạt nhân”, trong đó xem phát triển nguồn nhân lực hạt nhân là một quá trình dài hạn, cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo kỹ năng và kiến thức, có sự kế thừa và phát triển từ các ngành công nghiệp khác. Họ đã cụ thể hóa bằng các chính sách trong quản lý nhân lực, bao gồm đào tạo, tuyển dụng, phát triển, duy trì và giữ chân nhân lực, cùng với việc tích lũy và chuyển giao tri thức một cách hệ thống. Các yêu cầu về giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm làm việc tương ứng cho từng loại giấy phép liên quan đến hạt nhân cũng được quy định rõ ràng trong Luật (1-3).
Hàn Quốc đã đưa sự cam kết của chính phủ, công ty tư nhân, trường đại học và cơ quan nghiên cứu, các quan hệ hợp tác công tư và quốc tế vào chính sách và chiến lược về nhân lực. Nhờ vậy, lĩnh vực đào tạo hạt nhân vẫn duy trì được sức hút, đảm bảo thu hút và tuyển dụng được nguồn lực có chất lượng.
Điều đáng nói là Hàn Quốc đã đưa sự cam kết của chính phủ, công ty tư nhân, trường đại học và cơ quan nghiên cứu, các quan hệ hợp tác công tư và quốc tế vào chính sách và chiến lược về nhân lực, đồng thời ấn định một vai trò quan trọng cho Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực (HRDC) tại Viện Nghiên cứu NLNT Hàn Quốc (KAERI). Để thu hút, duy trì và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực hạt nhân, Hàn Quốc đã thực hiện một số chính sách cụ thể như (2):
Hỗ trợ chương trình giáo dục hạt nhân tại các trường đại học thông qua việccung cấp các chương trình học bổng và cơ hội nghề nghiệp; cập nhật chương trình học và liên kết với các công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ nano để đổi mới công nghệ; cung cấp chương trình đào tạo cơ bản về kỹ thuật hạt nhân cho các ngành kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện và kỹ thuật hóa học.
Duy trì nhân sự hạt nhân có trình độ tại các ngành công nghiệp hạt nhân, đó là cung cấp các hỗ trợ như nhà ở, học phí đào tạo, môi trường làm việc tốt; tăng cường các chương trình đào tạo lại dưới nhiều hình thức ở trong và ngoài nước để phát triển chuyên môn; hoàn thiện hệ thống chứng nhận và ưu tiên cho người có các giấy chứng nhận liên quan hạt nhân; và kích hoạt các chương trình trao đổi giữa các ngành công nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học.
Khuyến khích tính cạnh tranh toàn cầu của nhân lực hạt nhân như sử dụng các chuyên gia xuất sắc từ nước ngoài; thu hút sinh viên từ các nước đang phát triển; hỗ trợ và thúc đẩy các dự án nghiên cứu chung với các tổ chức quốc tế; hỗ trợ các chương trình đào tạo ở nước ngoài cho các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên đang học thạc sĩ và tiến sĩ tại các trường đại học.
Gần đây, trong “Kế hoạch thúc đẩy hạt nhân lần thứ 5 (2017-2021)”, Hàn Quốc đã tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút và phát triển nhân lực hạt nhân bao gồm sáu giải pháp như sau (4):
- Tăng cường điều phối cung cầu nhân lực hạt nhân: Cải thiện thống kê về cung cầu nhân lực chuyên ngành hạt nhân và lập kế hoạch tích hợp từ các bộ liên quan; Xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả và phản hồi cho các chương trình đào tạo nhân lực.
- Tối đa hóa vận hành thông qua mạng lưới đào tạo: định hình vai trò và chức năng của các cơ sở đào tạo hạt nhân trong nước, tối đa hóa vận hành thông qua mạng lưới liên kết các chương trình đào tạo độc lập.
- Đào tạo chuyên sâu và tùy chỉnh theo chuyên ngành: Thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu và liên ngành cho nhân lực chất lượng cao, kết nối chương trình đào tạo thực hành giữa doanh nghiệp và các trường đại học; Mở rộng các ngành đào tạo chuyên biệt tại các trường đại học và sử dụng các trung tâm đào tạo trong các cơ quan liên quan đến hạt nhân.
- Phát triển chương trình tái đào tạo và hệ thống quản lý nhân lực có kinh nghiệm cao: phát triển các chương trình tái đào tạo và xây dựng hệ thống quản lý để sử dụng hiệu quả nhân lực có kinh nghiệm cao, kết hợp giữa các chuyên gia nghỉ hưu và nhân lực mới.
- Tăng cường liên kết giữa đào tạo nhân lực và phát triển công nghệ, cơ sở vật chất: mở rộng chương trình thực tập tại các tổ chức nghiên cứu, công nghiệp và tổ chức toàn cầu nhằm tăng cường khả năng áp dụng thực tiễn.
- Phát triển và mở rộng chương trình đào tạo quốc tế:
– Xây dựng tiêu chuẩn năng lực quốc gia và áp dụng trong các chương trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều và tăng cường trao đổi nhân lực;
– Hỗ trợ phát triển hạ tầng đào tạo nhân lực cho các nước đang phát triển bằng cách thiết lập hệ thống đào tạo nhân lực hạt nhân theo kiểu Hàn Quốc.
Dù chưa có đánh giá cụ thể nhưng bên cạnh các chính sách đúng đắn và sự cam kết từ phía Nhà nước, sự đồng hành của các doanh nghiệp cũng là yếu tố then chốt. Mục tiêu của chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hạt nhân của Hàn Quốc là nhằm phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân. Sự thành công của ngành công nghiệp đã tạo nguồn kinh phí để đầu tư trở lại cho các hoạt động đào tạo, nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực hạt nhân. Nhờ vậy, lĩnh vực đào tạo hạt nhân vẫn duy trì được sức hút, đảm bảo thu hút và tuyển dụng được nguồn lực có chất lượng.
Hiệu quả trong dự báo nhân lực hạt nhân
Việc dự báo nhân lực được thực hiện một cách khoa học dựa theo phân tích dữ liệu thống kê. Nhân lực cho các ngành công nghiệp được dựa trên hệ số lao động trung bình và sản lượng cung cấp, mức độ tăng trưởng kinh tế. Nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu và đào tạo được xem là không tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế hoặc rất yếu nên được dự báo trên các mô hình phân tích hồi quy theo hai biến là xu hướng và mức đầu tư với dự báo là số nhân sự tối thiểu cần thiết cho lĩnh vực đó (1).
Nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển = -29596 + 15,3 X1 + 0,00070 X2 (R2 = 96,9)
Nguồn nhân lực cho nghiên cứu an toàn = -24692 + 12,5 X1 + 0,00004 X2 (R2 = 93,9)
Trong đó X1 là biến xu hướng và X2 là đầu tư cho nghiên cứu và phát triển hạt nhân.
Với giả thiết chi phí thiết kế, xây dựng và nhiên liệu hạt nhân đều được nội hóa trong chi phí sản xuất, giá bán điện ổn định ở mức 39,1 won mỗi KWh. Doanh thu từ sản xuất và ứng dụng đồng vị phóng xạ được xem là một phần trong doanh thu của năng lượng hạt nhân, doanh thu này chiếm 18% vào năm 2005 và tăng lên 40% vào năm 2030. Trong lĩnh vực y tế, mối quan hệ giữa doanh thu và GDP sẽ được duy trì trong suốt thời kỳ nghiên cứu, doanh thu từ đồng vị phóng xạ trong y tế được tính bằng doanh thu trong y tế nhân với tỷ lệ đóng góp của đồng vị (chiếm 5,56% tổng chi phí y tế vào năm 2005). Hệ số lao động trung bình của Hàn Quốc cho tất cả các lĩnh vực vào năm 2005 là 0,019, tổng số nhân sự cho công nghiệp hạt nhân của Hàn Quốc (Bảng 1) vào khoảng 43.800 người. Tổng hợp dự báo về nhân sự theo các giai đoạn được trình bày trong Bảng 21.
Bảng 1. Tổng số nhân lực hạt nhân của Hàn Quốc năm 2005
Lĩnh vực |
Năm 2005 (người) |
Năng lượng hạt nhân |
18.538 |
Đồng vị phóng xạ |
23.808 |
Lĩnh vực nghiên cứu & đào tạo |
1.454 |
Tổng cộng |
43.800 |
Bảng 2. Dự báo nhân lực theo các nhóm trong trường hợp bình thường
Lĩnh vực |
2005 |
2010 |
2020 |
2030 |
Điện hạt nhân |
18.538 |
19.126 |
27.317 |
34.229 |
Đồng vị phóng xạ (công nghiệp + y tế) |
23.808 |
23.887 (2.580+21.307) |
37.833 (5.528+32.305) |
55.470 (9.236+46.234) |
Nghiên cứu & đào tạo (nghiên cứu+an toàn) |
1.454 |
1.620 (1.200+420) |
1.963 (1.415+549) |
2.291 (1.615+677) |
Tổng số |
43.800 |
44.633 |
67.114 |
91.990 |
Kết quả dự báo cho thấy, nhu cầu nhân lực cho sản xuất và ứng dụng đồng vị phóng xạ sẽ tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ 3,3% mỗi năm cho kịch bản bình thường và chiếm hơn 55% tổng nhân lực. Ngành công nghiệp hạt nhân (gồm điện hạt nhân và đồng vị phóng xạ) dự kiến cần gấp đôi nhân lực vào năm 2030 so với năm 20051.
Hàn Quốc làm dự báo hết sức khoa học, chính xác và bám sát nhu cầu thực tiễn. Trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, nhân sự của KAERI vào đầu năm 2024 là 1.743 người, khá sát với dự báo được thực hiện vào năm 2005 là nhân lực cho nghiên cứu và đào tạo vào khoảng 2000 người (5).
Học hỏi gì từ Hàn Quốc?
Để có cái nhìn toàn diện về nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam, chúng ta hãy nhìn vào một thực tế là trong chương trình phát triển điện hạt nhân trước đây, Việt Nam cũng đã tập trung thúc đẩy đào tạo. Trong giai đoạn 2010-2015, Việt Nam đã gửi hơn 400 sinh viên và một số kỹ sư ngành điện sang Liên bang Nga, Nhật Bản và một số nước khác học tập và thực tập để phục vụ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư dự án đã bị dừng lại vào tháng 11/2016, hầu hết các nhân sự này đã chuyển sang làm việc cho các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất và ứng dụng đồng vị phóng xạ mà Việt Nam đã có từ những năm 1960 nhưng vẫn ở quy mô nhỏ với nhân sự chỉ vài trăm người, tương tự như điểm khởi đầu của Hàn Quốc. Nhân sự làm công tác nghiên cứu và đào tạo, tập trung chủ yếu ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), với khoảng 738 người (số liệu cuối 2023), và một số ít ở các trường đại học.
Về trình độ chuyên môn, Viện NLNTVN có 77 tiến sĩ, 227 thạc sĩ, 321 người có trình độ đại học và 113 người có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Về chức danh nghề nghiệp, Viện NLNTVN hiện có 24 nghiên cứu viên cao cấp, 88 nghiên cứu viên chính và tương đương, 513 nghiên cứu viên và tương đương, 35 kỹ thuật viên và tương đương, và 78 người là nhân viên thừa hành, phục vụ khác (6).
Bảng 4. Nhân sự của KAERI và Viện NLNTVN hiện nay [5,6]
hóm |
KAERI |
Viện NLNTVN |
Chênh lệch (lần) |
Số lượng (người) |
Tỉ lệ (%) |
Số lượng (người) |
Tỉ lệ (%) |
Nghiên cứu |
1319 |
75,46 |
625 |
84,69 |
2,11 |
Kỹ thuật (enginer) |
1319 |
75,46 |
? |
? |
? |
Kỹ thuật viên |
293 |
16,76 |
35 |
4,74 |
8,37 |
Quản lý, phục vụ |
135 |
7,72 |
78 |
10,57 |
1,73 |
Tiến sỹ (Ph.D) |
944 |
54,00 |
77 |
10,43 |
12,26 |
Thạc sỹ |
? |
? |
227 |
30,76 |
? |
Đại học |
? |
? |
321 |
43,50 |
? |
Tổng số |
1748 |
|
738 |
|
2,37 |
Hiện nay, Việt Nam chưa hình thành ngành công nghiệp hạt nhân cũng như chưa có lộ trình cụ thể cho ngành này. Hạn chế về nhu cầu nhân lực do đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các cơ sở đào tạo. Không chỉ vậy, khi công nghiệp chưa phát triển các nguồn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo cũng bị hạn chế, khó có thể nâng cao chất lượng đào tạo cũng như khả năng thu hút và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động này nếu không tăng nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Thực tế cho thấy, sự tác động của kinh tế thị trường đã khiến một số nhân sự có năng lực và được đào tạo bài bản chuyển sang làm việc trong các lĩnh vực khác có thu nhập tốt hơn so với Viện NLNTVN.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam hiện nay cũng như tạo nguồn nhân lực đủ để đưa ứng dụng năng lượng nguyên tử lên mức độ cao hơn đóng góp cho phát triển KT-XH, về lâu dài cần có một cơ sở đào tạo chuyên sâu theo hướng công nghệ, có các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Theo số liệu của KAERI (tháng 1/2024), tài trợ của Chính phủ cho các hoạt động của KAERI chỉ chiếm 24%, phần còn lại 76% từ hoạt động công nghiệp hạt nhân và các nguồn tài trợ khác, bao gồm tài trợ của các tập đoàn và doanh nghiệp5. Có thể thấy các hoạt động nghiên cứu, đào tạo của KAERI phục vụ cho phát triển công nghiệp hạt nhân của Hàn Quốc và sự phát triển của công nghiệp hạt nhân đã tạo đầu tư trở lại cho các hoạt động nghiên cứu đào tạo.
Hình 1. Biểu đồ so sánh những thông số chính trong cấu trúc nhân lực giữa KAERI và Viện NLNTVN
Về mặt chính sách, Việt Nam đã ban hành Luật NLNT vào năm 2008, nhiều văn bản dưới luật đã ra đời để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sự hạn chế về nguồn lực, đồng bộ giữa các hoạt động đào tạo và tuyển dụng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực hạt nhân hiện nay. Như đã nhận định ở trên, nhân sự hạt nhân của Việt Nam chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, đòi hỏi phải có chất lượng cao, được đào tạo bài bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Có thể thấy sự thể hiện này khá rõ trong thống kê nhân sự ở Viện KAERI của Hàn Quốc (Bảng 4), KAERI có 1.748 người nhưng có đến 1.319 nhà nghiên cứu công nghệ chiếm 54% trên tổng số nhân lực nhưng có đến 944 người có trình độ tiến sĩ, chiếm hơn 70% trong tổng số các nhà nghiên cứu về công nghệ.
Nếu so sánh nhân sự giữa KAERI và Viện NLNTVN, hai sự khác biệt lớn nhất là định hướng về công nghệ và số nhà nghiên cứu có trình độ tiến sĩ (số lượng nhà nghiên cứu của KAERI nhiều hơn 2,11 lần nhưng tỉ lệ tiến sĩ nhiều hơn 12,26 lần).
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cân bằng carbon, thực hiện các cam kết quốc tế, vai trò của ứng dụng năng lượng nguyên tử đang ngày được nâng cao. Năng lượng nguyên tử có thể đóng góp rất tốt cho các lĩnh vực y tế (chẩn đoán và điều trị ung thư), lĩnh vực nông nghiệp (tạo giống cây trồng mới thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng năng suất), và nhiều lĩnh vực công nghệ khác như công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, công nghệ nano, đánh giá không phá hủy…, đồng thời góp phần giải quyết các thách thức như đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường v.v… Do đó, việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực hạt nhân sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển cho đất nước. Điều này lại càng trở nên cần thiết hơn khi Việt Nam đang triển khai xây dựng lò hạt nhân nghiên cứu mới, xây dựng mạng quan trắc phóng xạ quốc gia để sớm đưa vào vận hành. Số lượng đào tạo cần được dự báo sát với nhu cầu tuyển dụng hằng năm, tránh tình trạng số lượng đào tạo quá nhiều so với nhu cầu tuyển dụng và chương trình đào tạo không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ tác động không tốt đến ngành và xã hội, làm lãng phí nguồn lực.
Mặt khác, với các nhân sự làm việc trong ngành NLNT nhưng tốt nghiệp các chuyên ngành khác, cần được đào tạo bổ sung các kiến thức cơ bản về hạt nhân để đảm bảo tính liên ngành; đi kèm với đó là một lộ trình đào tạo nâng cao cho các nhân sự mới để đạt trình độ tiến sĩ sau một thời gian công tác nhất định. Với số lượng khoảng 800 người làm việc, nếu thời gian làm việc khoảng 30-35 năm với mỗi người thì số lượng nhân sự tuyển mới vào ngành để bù đắp cho số lượng nghỉ công tác sẽ dao động trong khoảng 30-50 người mỗi năm. Đây là một con số nhỏ, chưa đủ để xã hội hóa hoạt động đào tạo một cách hiệu quả. Vậy nên chăng, để đảm bảo chất lượng cho nguồn nhân lực này, cần kết hợp hoạt động nghiên cứu và đào tạo dưới mô hình một học viện công nghệ hạt nhân. Có lẽ còn khó thực hiện trong điều kiện hiện nay là hạn chế tăng biên chế và tăng đơn vị sự nghiệp mới, kinh phí cho đào tạo còn khó khăn, nhưng để đảm bảo tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế, về lâu dài cần tính đến việc tuyển dụng hoặc thu hút các nhà khoa học quốc tế đến làm việc và giảng dạy.
Một yếu tố không thể thiếu là đảm bảo cuộc sống cho những nhân sự có trình độ và năng lực trong ngành để giữ chân họ. Như ông bà ta thường nói, “an cư [thì mới] lạc nghiệp”, nên cần xây dựng hệ thống nhà công vụ ở gần nơi làm việc cho các chuyên gia ở xa đến làm việc, các nghiên cứu sinh và những cán bộ trẻ còn khó khăn về chỗ ở. Hoạt động nghiên cứu là một hoạt động rất đặc thù, không thể có những nghiên cứu đột phá nếu các nhà nghiên cứu còn phải bận tâm về cuộc sống hằng ngày (có lẽ vì tính không quy luật của hoạt động này nên các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài cấp thẻ ra vào 24/7 cho các nhà nghiên cứu). Khi phải lo lắng về “cơm áo gạo tiền”, các nhà khoa học khó có thể toàn tâm cho công việc nghiên cứu và khi những lo lắng về cuộc sống còn nhiều thì những nghiên cứu “sáng tạo và đột phá” có lẽ cũng sẽ đến nhưng còn xa.
Hàn Quốc không chỉ học hỏi rất nhiều về chính sách và chủ trương đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực hạt nhân từ các quốc gia khác mà còn rút ra một số bài học quan trọng theo thời gian (3):
- Phát triển nhân lực dựa trên nhu cầu: Hàn Quốc chú trọng thu hút và tuyển chọn nhân sự chất lượng cao, đào tạo chuyên sâu và duy trì tinh thần làm việc. Thành công của họ xuất phát từ việc lập kế hoạch nhân lực phù hợp với nhu cầu của các bên sử dụng.
- Hợp tác quốc tế: hợp tác song phương với các quốc gia phát triển và có công nghệ nguồn về công nghiệp hạt nhân như Mỹ, Canada, Đức và Pháp đã đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực hạt nhân.
- Hệ thống đào tạo: Kết hợp giữa đào tạo trong nước và từ nước ngoài giúp xây dựng lực lượng lao động hạt nhân có kỹ năng và trình độ cao. Trung tâm Đào tạo hạt nhân của KAERI và chương trình đào tạo của Công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã đóng góp đáng kể trong sự kết hợp này.
PGS. TS. Nguyễn Xuân Hải, PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Tài liệu tham khảo
1.Byungjoo Mina, Manki Leea, Kee-Yung Nama1, and Kiho Jeon, Nuclear Human Resource Projection Up To 2030 In Korea, Nuclear Engineering And Technology, Vol.43 No.4 August 2011.
- KAERI/RR-2385/2002, Cooperation of Nuclear Manpower Development between Viet Nam and Korea for Enhancing Infrastructure in Exporting Nuclear Technology to Viet Nam, 2002.
- Sungyeol Choi, Eunju Jun, IlSoon Hwang, Anne Starz, Tom Mazour, SoonHeung Chang, Alex R. Burkart, Fourteen lessons learned from the successful nuclear power program of the Republic of Korea, Energy Policy 37 (2009) 5494–5508.
- Kế hoạch tổng thể lần thứ 5 về thúc đẩy năng lượng hạt nhân 2017-2021, Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai, Bộ ngoại giao, Bộ thương mại, Công nghiệp và Năng lượng.
- https://www.kaeri.re.kr/eng/board?menuId=MENU00709 (truy cập 8/6/2024).
- Báo cáo tổng kết Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam 2023.
Nguồn tin: https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/quy-hoach-nhan-luc-hat-nhan-cua-han-quoc-bai-hoc-cho-viet-nam/