Thứ ba, 21/03/2023 22:46 GMT+7

Những ngày khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Nửa cuối thế kỷ XX để lại một dấu ấn sâu đậm cho ngành hạt nhân Việt Nam, đó là việc xây dựng và đưa vào vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với cái số phận hết sức kỳ lạ. Tại thành phố Đà Lạt du lịch xinh đẹp và nên thơ, một lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu đã được hai lần xây dựng và đưa vào vận hành với hai loại nhiên liệu khác nhau nhờ sự giúp đỡ của hai cường quốc hạt nhân trên thế giới.

Tôi có cái may mắn được gắn một đoạn đời vào cái sự kiện kéo dài suốt 60 năm đó. Cụ thể là, tôi được tham gia vào việc xây dựng lần thứ hai trong số hai lần xây dựng của lò phản ứng này. Sự kiện lịch sử đó xảy ra trong thập niên 80 của thế kỷ XX.

Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm khánh thành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (1984-2024), nhớ lại ký ức một hồi xa xưa, qua bài tự sự này, tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp thời đó và bây giờ những kỷ niệm đẹp đẽ của những ngày đồng cam cộng khổ và vô cùng đáng nhớ tại thành phố Đà Lạt sương mù.

1. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với hai lần xây dựng

Lần xây dựng đầu tiên vào năm 1961 với lò phản ứng loại TRIGA Mark II do Hoa Kỳ tài trợ. Trong thập niên 1950, các nhà khoa học hạt nhân Hoa Kỳ đã phát triển một loại lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới là TRIGA dựa trên thiết kế của nhà vật lý lý thuyết Edward Teller và các cộng sự. Lò phản ứng TRIGA có ba chức năng là đào tạo (training), nghiên cứu (research) và chế tạo đồng vị phóng xạ (isotope) do hãng General Atomic (GA) tại San Diego, California, Hoa Kỳ chế tạo. Lò phản ứng này được thiết kế có tính an toàn nội tại rất cao do việc dùng nhiên liệu đồng nhất gồm uranium trộn đều với chất làm chậm zirconium hydride thành tinh thể U-ZrH với độ giàu 19,75% uranium-235. Đây là một loại lò phản ứng nghiên cứu công suất nhỏ khá an toàn và dễ sử dụng nên đã có 35 lò được trang bị cho các Viện nghiên cứu tại Hoa Kỳ và 35 lò khác cho 24 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngay sau khi lò phản ứng TRIGA Mark I đầu tiên được đưa vào hoạt động vào ngày 3.5.1958 tại Hoa Kỳ thì vào những năm đầu thập niên 1960 các lò TRIGA đã được trang bị cho các nước, gồm Zaire (Mark I, 50 kW, năm 1959), Brazil (Mark I, 100 kW, năm 1960), Italy (Mark II, 1.000 kW, năm 1960; Mark II, 250 kW, năm 1965), Nhật Bản (Mark II, 100 kW, năm 1961; Mark II, 100 kW, năm 1963), Áo (Mark II, 250 kW, năm 1962), Phần Lan (Mark II, 250 kW, năm 1962), Hàn Quốc (Mark II, 250 kW, năm 1962), Việt Nam (Mark II, 250 kW, năm 1963), Germany (Mark II, 100, năm 1965; Mark I, 150 kW, năm 1966), Slovenia (Mark II, 250 kW, năm 1966). Các lò TRIGA khác được cung cấp trong các thập niên sau đó, và đến năm 2005, Thái Lan nhận được lò TRIGA Mark MPR-10 với công suất 10.000 kW.

Lò phản ứng TRIGA Mark II với công suất 250 kW được xây dựng tại Đà Lạt từ tháng 04/1961 và hoàn thành tháng 12/1962. Cấu trúc của lò phản ứng và hệ thống bê tông bảo vệ phóng xạ bao quanh thùng lò giống như các lò TRIGA Mark II khác trên thế giới. Nhưng nhà chứa lò phản ứng và công trình chứa các hệ thống công nghệ phụ trợ đã được phía Việt Nam thay đổi so với thiết kế của Hoa Kỳ. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ không sử dụng mô hình hình hộp mà chuyển sang mô hình nguyên tử, trong đó nhà chứa lò phản ứng có dạng hình trụ cao 17 m, đường kính 20 m, nằm ngay chính tâm một nhà hình vành khuyên đồng tâm chứa các hệ thống công nghệ phụ trợ. Các kỹ sư và công nhân Việt Nam đảm nhiệm xây dựng Trung tâm Hạt nhân này theo thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ. Ngày 26.2.1963, lò phản ứng TRIGA Mark II đạt trạng thái tới hạn lần đầu; đến ngày 3.3.1963, lò phản ứng đạt công suất danh định 250 kW; và được khánh thành vào ngày 28-10-1963.

Lò phản ứng TRIGA Mark II được đưa vào vận hành năm 1963 tại Đà Lạt là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng oái ăm thay, nó lại ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh tại Nam Việt Nam với cường độ ngày càng khốc liệt. Do đó, trên thực tế nó chỉ hoạt động trong 5 năm cho đến năm 1968. Và cuối cùng, vào ngày 31.3.1975, ba ngày trước khi thành phố Đà Lạt được giải phóng, quân đội Hoa Kỳ đã rút hết các thanh nhiên liệu khỏi lò phản ứng và chuyển lên phi cơ đưa về Hoa Kỳ, nên lò phản ứng không còn hoạt động được nữa.

Sau khi thống nhất đất nước, chính phủ Liên Xô giúp Việt Nam khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, công suất lò được tăng lên 500 kW với loại nhiên liệu VVR-M2 của Liên Xô có độ giàu 36% uranium-235. Khác với lò TRIGA Mark II, là loại lò đồng nhất sử dụng nhiên liệu U-ZrH với tính an toàn nội tại cao, lò mới do Liên Xô giúp với nhiên liệu VVR-M2 có cấu trúc không đồng nhất, ở đó nước làm chậm và tải nhiệt chạy giữa các thanh nhiên liệu, nên tính an toàn nội tại thấp hơn. Vì vậy Liên Xô phải trang bị các hệ thống kỹ thuật phụ trợ khác, phức tạp hơn lò TRIGA Mark II, để bảo đảm an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ. Công trình xây dựng và mở rộng lò Đà Lạt gần như một công trình xây mới với nhiều hệ thống công nghệ mới.

Vậy là đợt xây dựng lò Đà Lạt lần thứ hai bắt đầu vào ngày 15.3.1982 cũng tại chính vị trí của công trường xây dựng vào năm 1961 và cũng giữ nguyên thiết kế theo mô hình nguyên tử của KTS Ngô Viết Thụ, với một ngôi nhà hình vành khuyên mới bao quanh và đồng tâm với ngôi nhà hình vành khuyên cũ, mà nhà lò phản ứng hình trụ đứng tại tâm của chúng. Trong đợt xây dựng này, vùng hoạt, vành phản xạ graphite, thùng lò, tường bê tông bảo vệ lò phản ứng và nhà lò không thay đổi. Các hạng mục thay đổi lớn gồm hệ thống điều khiển lò phản ứng và các hệ thống công nghệ phụ trợ như điện, nước, thông khí, thải khí phóng xạ, thải chất lỏng và chất rắn phóng xạ, hệ thống đo đạc và cảnh báo phóng xạ, v.v. 

Đợt xây dựng lần thứ hai kéo dài trong hơn một năm rưỡi, hoàn thành vào cuối tháng 10.1983. Lò phản ứng mới được khởi động và đưa lên tới hạn vào ngày 1.11.1983 và được khánh thành vào ngày 20.3.1984 với công suất danh định 500 kW.

Lò này sử dụng nhiên liệu loại VVR-M2 của Liên Xô với độ giàu 36% uranium-235, được gọi là nhiên liệu độ giàu cao HEU (High Enriched Uranium). Lò phản ứng Đà Lạt với nhiên liệu HEU hoạt động an toàn trong hơn 20 năm thì được thay nhiên liệu từ độ giàu cao HEU bằng nhiên liệu độ giàu thấp LEU (Low Enriched Uranium) với độ giàu 19.75% uranium-235. Quá trình thay nhiên liệu này được thực hiện thành hai đợt. Đợt thứ nhất với cấu hình vùng hoạt dùng hỗn hợp hai loại nhiên liệu HEU và LEU từ năm 2007 đến năm 2011. Đợt hai với cấu hình vùng hoạt dùng toàn bộ nhiên liệu LEU từ năm 2011 đến nay.

Tôi được hân hạnh tham gia đợt xây dựng lò lần thứ hai và khởi động lò đưa lên trạng thái tới hạn với nhiên liệu HEU của Liên Xô trong các năm đầu của thập niên 1980. Tôi xin thuật lại những sự kiện chính trong quá trình thực hiện các việc đó, bắt đầu bằng công tác chuẩn bị đội ngũ cán bộ.

2. Chuẩn bị cán bộ

Năm 1977, khi tôi đang giảng dạy tại Khoa Vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì được GS Nguyễn Đình Tứ đặt vấn đề chuyển sang Viện Nghiên cứu hạt nhân để tham gia việc khôi phục và đưa vào hoạt động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Ngày 24.3.1978 tôi chính thức chuyển từ Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp sang Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, cơ quan cấp trên của Viện Nghiên cứu hạt nhân. Sau khi trở thành cán bộ của Viện Nghiên cứu hạt nhân, GS Nguyễn Đình Tứ và GS Phạm Duy Hiển gợi ý tôi phụ trách về vật lý và công nghệ lò phản ứng. Tôi bắt đầu tìm hiểu về vật lý lò phản ứng, vì trước đó tôi chưa có điều kiện nghiên cứu trên lò phản ứng mà chủ yếu nghiên cứu phản ứng hạt nhân trên các máy gia tốc proton.

Ngày 9.10.1979 Chính phủ Liên Xô và chính phủ Việt Nam ký hiệp định khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đạt Lạt. Sau đó Liên Xô đưa bản thiết kế kỹ thuật đối với lò phản ứng Đà Lạt, gọi là lò phản ứng IVV-9, sang Việt Nam thẩm định. Viện Nghiên cứu hạt nhân lập một đoàn thẩm định do GS Phạm Duy Hiển phụ trách, trong đó tôi là một thành viên. Tôi chịu trách nhiệm thẩm định về hệ điều khiển và đo đạc của lò, trong đó chủ yếu dùng các linh kiện bán dẫn và vi điện tử. Phần công việc này phù hợp với khả năng của tôi vì trong các năm trước đó tôi đã có điều kiện nghiên cứu và giảng dạy môn Điện tử hạt nhân ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Việc tham gia nhóm thẩm định giúp tôi lần đầu tiên tiếp cận với các hệ thống công nghệ của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Để tạo điểu kiện cho tôi nghiên cứu về vật lý lò phản ứng, Ban Giám đốc Viện Hạt nhân cử tôi sang làm cộng tác viên ở Viện liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô, một năm từ giữa năm 1980 đến giữa năm 1981. Tại Dubna, tôi vào làm việc ở Phòng lò phản ứng neutron nhanh IBR-2 của Tiến sĩ khoa học E. P. Shabalin thuộc Phòng thí nghiệm vật lý neutron. Tuy đây là lò phản ứng xung neutron nhanh, khác với lò phản ứng neutron nhiệt ở Đà Lạt, một năm nghiên cứu này cũng giúp tôi trang bị nhiều kiến thức bổ ích về lò phản ứng hạt nhân để chuẩn bị cho công việc ở Đà Lạt sắp tới.

Giữa năm 1981, từ Dubna về nước, tôi được Ban Giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân giao nhiệm vụ trưởng đoàn cán bộ của Viện sang Liên Xô thực tập vận hành lò phản ứng. Đoàn gồm mười người, ngoài tôi ra với tuổi đời xấp xỉ 40, chín thành viên còn lại là những cán bộ trẻ mới tốt nghiệp đại học vài ba năm, chưa quá 30 tuổi. Đó là các anh Trần Khắc Ân, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Nhị Điền, Ngô Phú Kháng, Từ Văn Nghĩa, Hoàng Văn Nguyện, Trương Cam Ranh, Nguyễn Trường Sinh (xem hình 1). Trong một năm, đoàn cán bộ đi thực tập tại hai lò phản ứng nghiên cứu neutron nhiệt loại lò bể bơi ở hai nước cộng hòa của Liên Xô là Grudia và Ucraina.

 Ảnh chụp tại Tbilisi, Grudia, tháng 12.1981. Từ trái sang: Từ Văn Nghĩa (1), Trương Cam Ranh (2), Ngô Phú Kháng (3), Trần Khắc Ân (4), Nguyễn Thanh Bình (5), Hoàng Văn Nguyện (6), Ngô Quang Huy (7), Nguyễn Trường Sinh (9) (thiếu hai anh Nguyễn Nhị Điền và Nguyễn Văn Đệ)

Đoàn khởi hành đi đến thành phố Tbilisi, Grudia, vào giữa tháng 10.1981 và thực tập tại lò phản ứng của Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Grudia trong thời gian 4 tháng. Tại đây, mỗi thành viên của đoàn được phân công chuyên sâu về một chuyên đề như kỹ sư trưởng (anh Huy), vật lý lò (anh Kháng), công nghệ lò (anh Đệ), hệ điều khiển và đo đạc (các anh Điền, Ân, Sinh), hệ an toàn bức xạ (các anh Nguyện, Cam Ranh, Bình), hệ xử lý nước lò (anh Nghĩa), v.v. Vì lần đầu tiên tiếp cận với lò phản ứng nên các cán bộ trong đoàn được truyền đạt kỹ về lý thuyết bên cạnh các buổi thực tập vận hành lò, và cuối cùng mỗi người làm một khóa luận cuối đợt thực tập. Từng thành viên trình bày khóa luận của mình trước một hội đồng do Viện Vật lý thành lập với TS. G. Karumidze, Phó Viện trưởng kiêm Kỹ sư trưởng lò phản ứng, làm chủ tịch.

Tháng 3.1982, đoàn rời Tbilisi để đi KieV, thủ đô nước cộng hòa Ucraina. Đoàn được bố trí thực tập vận hành lò phản ứng trong thời gian 4 tháng tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Kiev. Vì những vấn đề lý thuyết đã được trang bị chủ yếu ở Tbilisi nên trọng tâm trong đợt thực tập thứ hai tại Kiev là thực hành trong vận hành lò. Đầu tháng 7.1982 đợt thực tập tại Kiev hoàn thành và đoàn về nước, riêng anh Nguyễn Văn Đệ được bố trí ở lại Kiev thêm 5 tháng nữa để huấn luyện nhiệm vụ Kỹ sư trưởng lò phản ứng. Vào giữa tháng 9.1982, Viện Nghiên cứu hạt nhân còn cử thêm hai anh Đỗ Văn Hiệp và Lê Minh Tuấn sang thực tập về cơ khí tại lò phản ứng Viện Nghiên cứu hạt nhân Kiev cùng với anh Nguyễn Văn Đệ.

Ngày 6.7.1982, BGĐ Viện Nghiên cứu hạt nhân Kiev tổ chức trao Giấy chứng nhận hoàn thành khóa thực tập vận hành lò phản ứng tại Liên Xô từ ngày 18.10.1981 đến ngày 6.7.1982 cho tất cả các thành viên của đoàn. Ngày 9.7.1982 đoàn rời Kiev bay đến Moskva và ngày 16.7.1982 họ bay từ Moskva đến Hà Nội ngày 17.7.1982. Đoàn vào Đà Lạt trong tháng 8.1982 tham gia công trường khôi phục và mở rộng lò phản ứng Đà Lạt.

3. Công trường xây dựng

Ngày 22.8.1982, sau một tháng về Hà Nội chuẩn bị cho công việc ở Đà Lạt, tôi bay vào TP Hồ Chí Minh rồi đi xe của Viện lên Đà Lạt. Đây là lần thứ hai tôi đến Đà Lạt, lần thứ nhất vào đầu năm 1980, sau khi tham gia nhóm thẩm định lò phản ứng IVV-9 ở Hà Nội và trước khi đi sang Dubna nghiên cứu vật lý lò. Xe chạy theo đường nhựa quanh co lên cao dần giữa rừng cây của đèo Prenn, khi đến đỉnh đèo, trước mắt tôi hiện ra một thành phố tươi sáng theo cấu trúc châu Âu. Xe đi vào thành phố giữa các con phố với nhiều sắc hoa rực rỡ, trong lòng tôi bồi hồi khi bước vào một cuộc sống mới với một công việc mới đang chờ đợi mình tại thành phố tươi đẹp và nổi tiếng này.

Cuối năm 1981, khi tôi đang ở Liên Xô, công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt bắt đầu bằng việc thành lập Ban quản lý công trình do GS Phạm Duy Hiển, Giám đốc Phân Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt kiêm Giám đốc Ban Quản lý công trình. Sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, ngày 15.3.1982 thì công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng được khởi công, nửa năm trước khi tôi vào công tác ở Đà Lạt. Tôi được Ban Giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân cử làm Trưởng phòng vật lý lò phản ứng kiêm Phó Giám đốc Ban Quản lý công trình, phụ trách mảng công nghệ.

Lần đầu tiên tiếp xúc với một công trình xây dựng, đối với tôi, mọi thứ đều khác lạ với những năm tháng ngồi trong phòng thí nghiệm. Công trường ngổn ngang, nhà số 2 đang đào móng và bắt đầu xây dựng. Thiết bị của Liên xô đưa về nằm rải rác trên hiện trường trong lúc trời Đà Lạt u ám, mưa dầm dề. Song một tinh thần làm việc hăng say và sôi nổi bao trùm trên khắp công trường. Các cán bộ Ban Quản lý công trình và Phân Viện nghiên cứu hạt nhân Đà lạt cùng sát cánh với các kỹ sư và công nhân xây dựng của Công ty 14 thuộc Tổng công ty xây dựng số 1 và đoàn chuyên gia Liên xô.

Việc khôi phục lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt thực chất là trang bị lại hầu hết các hệ công nghệ. Các thành phần cũ của lò TRIGA Mark II còn giữ lại là vành phản xạ graphite, thùng lò bằng nhôm, 4 kênh ngang thí nghiệm, cột nhiệt và tường bê tông cản xạ sinh học. Các hệ thống công nghệ mới của Liên Xô đáp ứng nhu cầu tăng công suất lò từ 250 kW lên 500 kW và nâng cao mức độ an toàn bức xạ. Các hệ này gồm vùng hoạt, hệ thống tải nhiệt, hệ thống điều khiển và bảo vệ, hệ thống kiểm tra an toàn bức xạ, hệ thống thải khí phóng xạ, hệ thống xử lý chất thải phóng xạ lỏng, hệ thống chôn cất bã thải phóng xạ, hệ thống cung cấp điện công nghiệp ưu tiên và điện sự cố, v.v.

Sự nâng cấp các hệ thống công nghệ yêu cầu mở rộng quy mô xây dựng, trong đó, ngoài nhà chứa lò phản ứng và phòng điều khiển sẵn có (nhà 1) phải xây thêm nhà vòng cung thứ hai (nhà số 2); trạm biến thế có trang bị máy phát điện diezel bảo đảm nguồn điện liên tục khi có sự cố mất điện thành phố (nhà số 3); nhà chôn bã thải phóng xạ (nhà số 5); bể nước cung cấp nước dự phòng làm nguội lò phản ứng khi có sự cố nóng chảy vùng hoạt (công trình số 6); tháp phun nước mưa trao đổi nhiệt cho hệ thống nước tải nhiệt vòng 2 (công trình số 7); ống thải khí phóng xạ cao 40 mét (công trình 20); trạm tổng đài điện thoại (nhà số 13); các công trình ngoài trời như hệ thống nước tải nhiệt vòng 2, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước; v.v.

Nhà số 1 và nhà số 2 là hai công trình trọng điểm trong công tác xây dựng. Trong đó nhà số 2 là công trình mới, đó là nhà hỗ trợ kỹ thuật gồm: Hệ nước tải nhiệt vòng hai; hệ xử lý nước phóng xạ; trạm điều khiển thông gió; các phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng nước bể lò; phòng thí nghiệm kiểm tra phóng xạ môi trường; phòng làm việc của các nhóm trực điện nước; phòng làm việc cho các kíp vận hành lò; các nhà tắm và trạm nấu nước nóng, phòng giặt; v.v.

Lực lượng chính làm việc hàng ngày trên công trường xây dựng là hàng trăm công nhân Công ty xây dựng số 14 thuộc Tổng công ty xây dựng số 1, trong đó có hai xí nghiệp chính là Xí nghiệp xây dựng và Xí nghiệp lắp máy. Ban lãnh đạo công ty có anh Nguyễn Thiêm, Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng số 1; Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Công ty xây dựng số 14; Nguyễn Quang Thùy, Giám đốc Xí nghiệp xây dựng số 1; Trương Văn Bồng, Giám đốc Xí nghiệp cơ giới.

Về phía Viện Nghiên cứu hạt nhân, Ban Quản lý công trình là đơn vị quản lý bên A do GS Phạm Duy Hiển làm Giám đốc với ba Phó Giám đốc là TS Phạm Khắc Chi, GS Nguyễn Văn Đạt và tôi, Ngô Quang Huy. Cán bộ Ban Quản lý công trình gồm có các anh chị Trịnh Hồng Lĩnh, Lê Thanh Liêm, Bùi Văn Quyền, Hà Đăng Tiến, Phan Thành Công, Lê Chánh Phe, Phạm Văn Nhiễm, Nguyễn Thị Thành A, Nguyễn Thị Thành B, Triệu Thị Tâm, v.v. Một số cán bộ theo dõi công tác xây lắp được điều động từ Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh, gồm các anh chị Nguyễn Mộng Hùng, Vũ Huy Thức, Nguyễn Quốc Bình, Hoàng Văn Hùng, Nguyễn Lê Sơn, Nguyễn Thị Thư, Lệ Thị Phụng, Nguyễn Tuấn Hoàng, v.v. (xem hình 2).

Một số thành viên Ban Quản lý công trình trong đợt đi nghỉ mát ở thành phố Nha Trang năm 1983. Từ trái sang: Nguyễn Thị Thành A (2), Ngô Quang Huy (3), Trịnh Hồng Lĩnh (5), Trương Thị Hạnh (6), Lê Chánh Phe (10), Phạm Văn Nhiễm (11), Lê Thanh Liêm (12)

Về phía đoàn chuyên gia Liên Xô có ông Kỹ sư trưởng Ulitin V. F. và nhóm kỹ sư tham gia công việc hàng ngày ở công trường như Abdeev B. L., Pirogov V. E., Lavrenchev N. P., Kupalsev V. V., Moroshkin O. Yu., Tauskanov O. V., Salevieva T. V., Trushin A. S., Timophiev V. M., Antipov A. P., Baklanov A. E., Likhachov A. I., Golovach A. I., Alioshin A. V., Kojevnhikov S. I., Novojilov M. V., Bogachov A. A., Snakin L. M., Terekhov A. S., Kosenko V. A., Konotiuk M. F., v.v. Trên hình 3, một số cán bộ Phân Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt chụp ảnh cùng hai chuyên gia Liên Xô tại công trường xây dựng lò phản ứng. Trong đó, ông Ulitin Valeri Fedorovich phụ trách công tác xây lắp lò và ông Ozimai Nikolai Stepanovich phụ trách nhóm vận hành lò trong thời gian một năm bảo hành sau khi khánh thành lò.

Ảnh chụp tại lối vào nhà lò phản ứng, đầu năm 1984. Từ trái sang: Ngô Quang Huy (1), Mai Văn Hùng (2), Ulitin Valeri Fedorovich (3), Hoàng Xuân Vũ (4), Ozimai Nikolai Stepanovich (5), Nguyễn Thị Năng (6), Trần Khánh Mai (7) và Nguyễn Mộng Sinh (8)

Để theo dõi quá trình lắp ráp các hệ thống công nghệ, Phân Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cử một đội ngũ cán bộ kỹ thuật tham gia công trường gồm các anh chị Nguyễn Mộng Sinh, Phạm Quốc Trinh, Trần Lâm, Hà Văn Thông, Võ Quốc Lập, Nguyễn Việt Long, Nguyễn Văn Qúy, Hoàng Xuân Vũ, Phan Văn Hiếu, Nguyễn Thế Kỷ, Phan Công Thuyết, Vũ Trung Hiếu, Lê Văn Sơ, Phan Trực, Trần Tích Cảnh, Hoàng Văn Nguyện, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Bá Hùng, Nguyễn Văn Long, Vũ Xuân Biết, Trần Văn Nguyên, Đoàn Ái Thu, v.v. Đóng vai trò quan trọng trong lực lượng này là các anh trong đoàn thực tập ở Liên Xô năm 1981-1982 gồm Trần Khắc Ân, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Nhị Điền, Ngô Phú Kháng, Từ Văn Nghĩa, Hoàng Văn Nguyện, Trương Cam Ranh, Nguyễn Trường Sinh, Đỗ Văn Hiệp và Lê Minh Tuấn. Hình 4 ghi lại buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông Tám Cảnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, với các cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (người tóc bạc đứng gữa, hàng trước) và ông Tám Cảnh, Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng (đứng bên phải Thủ tướng), thăm cán bộ Viện NCHN Đà Lạt. Bên trái Thủ tướng là anh Phạm Duy Hiển, bên phải ông Tám Cảnh là anh Phạm Khắc Chi

Tháng 3.1983 tôi chuyển gia đình vào sống hẳn ở Đà Lạt, cư trú tại khu tập thể của Viện ở nhà Giáo hoàng Học viện. Do đó, tôi có điều kiện thường xuyên làm việc tại công trường, thay mặt Ban Giám đốc Ban Quản lý công trình giải quyết công việc cùng với ông Ulitin V. F. và các anh bên xây dựng. Thường hàng tuần chúng tôi họp giao ban, kiểm điểm công việc tuần qua và lập kế hoạch cho công việc tuần tới.

Trong khoảng một năm đầu, từ tháng 2.1982 đến tháng 3.1983, công việc chủ yếu là xây dựng các công trình số 2, số 3, số 5, số 6, số 7, số 13 và lắp các hệ thống điện, cấp thoát nước, thông gió, v.v. Đến tháng 5.1983 bước vào lắp ráp các hệ thống công nghệ như hai hệ thống trao đổi nhiệt vòng 1 và vòng 2; hệ thống thông gió phóng xạ trong nhà lò; hệ thống xử lý nước thải phóng xạ; hệ thống an toàn bức xạ; hệ thống biến thế điện và diezel; v.v. Có thể nói, từ tháng 5.1983 không khí làm việc của công trường xây dựng nhộn nhịp hẳn lên với mục tiêu là lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt phải được khởi động vào ngày 1.11.1983 để chào mừng quốc khánh Liên Xô ngày 7.11.1983.

Tuy nhiên, một sự cố làm ngăn cản tốc độ thực hiện tiến độ công trình là việc mất một lượng lớn các linh kiện thép không gỉ của hệ thống tải nhiệt vòng một và vòng hai tại cảng Sài Gòn. Trong tháng 6.1983, khi Công ty xuất nhập khẩu Technoimport đến cảng Sài Gòn để nhận hàng chuyển lên Đà Lạt thì phát hiện ra một lượng lớn linh kiện thép không gỉ đã bị đánh cắp. Ngày 9.7.1983, hai anh Ngô Quang Huy và Nguyễn Mộng Hùng cùng ông Ulitin V.F. đến cảng Sài Gòn kiểm tra tại chỗ và tìm được một số rất ít các linh kiện còn sót lại. Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Hà Nội cùng Technoimport và ông Jukov, đại diện cơ quan thương vụ của Liên Xô, bàn về việc lập một hợp đồng mới với Liên Xô để sản xuất lại toàn bộ các linh kiện thép không gỉ. Ngày 10.7.1983 giữa Technoimport và cơ quan thương vụ Liên Xô ký hợp đồng cung cấp một lần nữa toàn bộ các chi tiết thép không gỉ cho lò Đà Lạt. Ngay sau đó, ông Jukov bay về Moskva, đến tận các nhà máy đặt hàng sản xuất theo các bản vẽ đã có sẵn, vì đây là các linh kiện phi tiêu chuẩn, không thể mua trên thị trường Liên Xô được.

Ngày 4.8.1983, Ban Quản lý công trình họp với lãnh đạo Tecnoimport bàn về việc chuẩn bị nhận hàng tại sân bay đối với hệ đo thông lượng neutron, thép không gỉ và nhiên liệu lò phản ứng. Rất may mắn là các chuyến hàng này đều được chuyển bằng máy bay từ Moskva sang Hà Nội, rồi từ Hà Nội vào Đà lạt dưới sự kiểm tra chặt chẽ của các bộ phận quản lý của Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà lạt, với sự hỗ trợ của Bộ Công an. Nhờ đó mà việc lắp ráp các hệ thống công nghệ được tiến hành theo đúng kế hoạch với sự khẩn trương của các bên.

Ngày 15.9.1983 thành lập Hội đồng nghiệm thu công trình do GS Phạm Duy Hiển làm chủ tịch và hai phó chủ tịch là Nguyễn Văn Đạt và Ngô Quang Huy. Tham gia Hội đồng có đại diện của Cơ quan thiết kế và chế tạo; Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước; Ủy ban xây dựng cơ bản tỉnh Lâm Đồng; Chủ quản đầu tư là Viện Nghiên cứu hạt nhân do anh Trần Kim làm đại diện. Công tác nghiệm thu được thực hiện trong ba đợt. Đợt một, nghiệm thu sơ bộ trong các ngày 26 - 29.9.1983. Đợt hai trong các ngày 6 - 10.10.1983. Đợt cuối cùng thực hiện trong thời gian 20 - 30.10.1983. Như vậy, công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hoàn thành vào ngày 30.10.1983, và ngày 30.10.1983 cũng là ngày khởi động lò phản ứng để lò đạt trạng thái tới hạn vào ngày 1.11.1983 theo như kế hoạch.

4. Khởi động lò phản ứng

Tháng 8 năm 1983, phần xây dựng và lắp ráp các hệ thống kỹ thuật như điện, nước cấp, nước thải, thông gió cơ bản hoàn thành. Lúc này bắt đầu lắp ráp các hệ thống công nghệ để khởi động lò. Cuối tháng 10.1983, hoàn thành các hạng mục lắp ráp cơ bản như lắp thùng lò, cửa lò, nước vòng 1 và vòng 2, hệ thống thông gió, hệ cấp điện nhà 1, hệ lọc nước vòng 1, hệ thống điện thoại, hệ thải nước phóng xạ, hệ SUZ, hệ KIP, nối điện cao thế ưu tiên và các phòng thí nghiệm hóa và vật lý. Ngày thứ bảy 15.10.1983 toàn thể cán bộ công nhân viên của Phân Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và tất cả chuyên gia Liên xô tham gia ngày lao động cộng sản, chủ yếu dọn dẹp sạch sẽ và ngăn nắp nhà số 1 và phòng lò phản ứng.

Ngày 26 tháng 10 năm 1983 Ban Giám đốc Phân Viện họp với nhóm khởi động lò phản ứng, phân công các cán bộ Việt Nam và chuyên gia Liên xô đảm nhận 11 chức danh. Về phía Việt Nam có các anh chị Phạm Duy Hiển, Ngô Quang Huy, Vũ Hải Long, Trần Khánh Mai, Nguyễn Đăng Nhuận, Trần Khắc Ân, Nguyễn Nhị Điền, Nguyễn Ngọc Lâm, Đỗ Văn Hiệp, Phạm Xuân Phương, Nguyễn Trường Sinh, Phạm Văn Làm, Dương Quang Tân, Trương Cam Ranh, Nguyễn Tác Anh, Lương Ngọc Châu, Lê Vĩnh Vinh, Huỳnh Đông Phương, Nguyễn Thị Năng và Từ Văn Nghĩa. Về phía Liên Xô có các ông Arhanghenski N.V., Terekhov A.V., Kuznexov E.M., Trophimov I.V., Levrenov N.P., Kharlamov N.B., Sokolov I.V., Bakharev V.S, Truskin V.S, Khandamirov Yu.E. và Semenov S.M.

Ngày 30.10.1983 bắt đầu khởi động lò phản ứng. Các thành viên nhóm vận hành và các cán bộ trực các hệ thống điện, nước, thông gió, v.v. vào vị trí làm việc. Trong buổi sáng đưa nguồn neutron mồi Cf-252 vào ô trung tâm của vùng hoạt. Đầu giờ chiều kiểm tra lần cuối tất cả các hệ thống công nghệ. Lúc 15 giờ 30 bắt đầu lấy 18 thanh nhiên liệu (TNL) từ kho nhiên liệu đặt tại phòng 125 nhà 1.  Có mặt kiểm tra việc lấy nhiên liệu có các anh Phạm Khắc Chi, Ngô Quang Huy, Đỗ Văn Hiệp, anh Luân công an và các chuyên gia Liên Xô Arhanghenski N.V., Khandamirov Yu. E. và Terekhov A.S.

Thanh nhiên liệu đầu tiên được lắp vào lò phản ứng lúc 15 giờ 57 phút và hoàn thành việc nạp thanh thứ 18 vào lúc 18 giờ 25 phút, chúng lấp đầy 2 vòng trong cùng của vùng hoạt lò phản ứng. 18 TNL được nạp thành 3 nhóm, mỗi nhóm 6 thanh. Sau mỗi lần nạp một nhóm 6 thanh, các nhà vật lý tiến hành đo số đếm neutron để xác định giá trị khối lượng tới hạn ngoại suy.

Ngày 31.10.1983 tiếp tục nạp nhiên liệu lúc 10 giờ 15 phút. Lúc 14 giờ 11 phút nạp xong 18 TNL thứ hai, gồm 3 nhóm, mỗi nhóm 6 thanh, lấp đầy vòng thứ ba của vùng hoạt. Từ 14 giờ 51 phút đến 18 giờ 17 phút nạp xong 18 TNL tiếp theo, gồm 4 nhóm (5, 5, 4 và 4 thanh) và lấp đầy vòng thứ 4 trong vùng hoạt. Như vậy sau 2 ngày khởi động đã nạp được 54 TNL vào vùng hoạt, gồm 10 nhóm. Sau khi nạp xong nhóm thứ 10, khối lượng tới hạn ngoại suy nhận được là từ 60 đến 70 TNL, chứ không phải là 77 thanh như trong tính toán thiết kế. Vì vậy, việc nạp nhiên liệu tiếp theo phải thực hiện với các nhóm ít TNL hơn.

Ngày 1.11.1983, buổi sáng nạp được 2 nhóm thứ 11 và thứ 12, gồm 7 TNL, nâng tổng số thanh trong vùng hoạt lên 61 thanh. Khối lượng tới hạn ngoại suy được xác định vào khoảng từ 60 đến 70 TNL. Sáng ngày 1.11.1983 xảy ra một chuyện trục trặc là không thao tác được tại ô 12-4, là ô nằm giữa thanh sự số AZ-2 và kênh chiếu mẫu khí nén 13-2, vì khoảng không gian của ô này chỉ rộng 32 mm, vừa đủ cho TNL, trong lúc cây sào thao tác có đường kính 40 mm. Do đó trong lần nạp nhiên liệu này phải để lại ô 12-4 không nạp.

Chiều ngày 1.11.1983, tiếp tục nạp nhóm thứ 13 gồm 3 TNL. Cũng gặp vấn đề thao tác đối với các ô 11-2 và 11-8 là các ô nằm giữa các thanh bù trừ KS-3 và KS-4 và các thanh beryllium. Tuy nhiên hai ô này cũng nạp được nhiên liệu bằng cách tháo các thanh beryllium ra, nạp nhiên liệu xong rồi mới đưa chúng vào trở lại. Đến 16 giờ 20 phút nạp xong 3 thanh nhóm 13, nâng tổng số TNL lên 64 thanh. Tính toán hệ số dưới tới hạn đạt giá trị vào khoảng 0,988 và trên máy tự ghi, thấy công suất lò bắt đầu tăng nhanh. Lúc 16 giờ 35 đưa 2 TNL nhóm thứ 14 vào và nạp chậm từng bước nhỏ một để theo dõi sự tăng công suất trên máy tự ghi. Lúc 17 giờ 05 phút, nạp tiếp 2 TNL của nhóm thứ 15, nâng tổng số TNL lên 68 thanh. Rút các thanh bù trừ KS-1, KS-2, KS-3 và KS-4 ra khỏi vùng hoạt, lò chưa đạt tới hạn. Tiếp tục nạp TNL thứ 69, cũng theo quy trình nạp từng bước một.

Rút các thanh bù trừ KS-1, KS-2, KS-3 và KS-4 ra khỏi vùng hoạt thì nhận thấy lò phản ứng gần đạt trạng thái tới hạn. Khi đó chu kỳ tăng công cuất lò giảm xuống dưới 100 giây. Tuy nhiên lò chưa đạt trạng thái tới hạn vì khi rút nguồn neutron Cf-252 ra khỏi vùng hoạt thì không duy trì được công suất. Tiếp tục đưa thêm một thanh beryllium vào vùng hoạt. Rút 3 thanh bù trừ KS-1, KS-2 và KS-3 ra khỏi vùng hoạt và rút từ từ thanh KS-4 lên; và khi KS-4 được rút lên gần hết thì chu kỳ tăng công suất lò giảm xuống dưới 100 giây. Sau đó rút nguồn neutron Cf-252 ra khỏi vùng hoạt và tiếp tục rút thanh KS-4 lên. Khi thanh KS-4 còn nhúng vào vùng hoạt cỡ 6 cm thì công suất lò phản ứng không thay đổi, tức là lò phản ứng đạt trạng thái tới hạn.

Lò phản ứng đạt tới hạn lúc 19 giờ 50 phút ngày 1 tháng 11 năm 1983.

Lò phản ứng hạt nhân Đà lạt đạt trạng thái tới hạn. Tất cả các thành viên trong nhóm khởi động lò và rất nhiều cán bộ của Viện còn ở lại đều có mặt tại phòng điều khiển lò phản ứng. Tiếng reo “hoan hô” xen lẫn tiếng “ura” đầy ắp căn phòng. Rượu Champagne nổ và những cốc rượu tràn đầy chuyền tay nhau chúc mừng.

Thật vô cùng vui sướng, cảm động và mọi người có mặt trong phòng điều khiển lúc đó lần lượt ký tên vào tờ giấy cắt ra từ máy tự ghi diễn biến công suất lò và bản đồ nạp các thanh nhiên liệu trong vùng hoạt. Các chứng cứ vẫn còn giữ được đến ngày hôm nay và được thể hiện trên các hình 5 và 6.

Trên đồ thị diễn biến công suất lò, trục hoành là trục thời gian còn trục tung là công suất trong đơn vị tương đối. Ta thấy công suất dao động quanh một giá trị trung bình rồi sau đó dừng lại ở một giá trị không đổi theo thời gian. Đó là trạng thái tới hạn của lò. Các chữ ký nằm trong miền không đổi đó của đồ thị, khi lò ở trạng thái tới hạn. Còn trên bản đồ nạp nhiên liệu, các chữ ký nằm quanh vùng hoạt của lò có dạng hình tròn, trong đó có 69 thanh nhiên liệu đã được nạp.

 
Đồ thị diễn biến công suất lò, trục hoành là trục thời gian còn trục tung là công suất trong đơn vị tương đối. Ta thấy công suất dao động quanh một giá trị trung bình rồi sau đó dừng lại ở một giá trị không đổi theo thời gian. Đó là trạng thái tới hạn của lò   Bản đồ nạp nhiên liệu của vùng hoạt đạt trạng thái tới hạn với 69 thanh nhiên liệu đã được nạp ngày 1.11.1983

 

5. Đưa lò phản ứng vào hoạt động

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đạt được trạng thái tới hạn vào lúc 19h50 chiều ngày 1.11.1983 với cấu hình vùng hoạt không có bẫy neutron. Bẫy neutron là một khối beryllium có kích thước bằng 7 thanh nhiên liệu bao xung quanh một cột nước với đường kính 65 cm. Bẫy neutron được đặt vào tâm vùng hoạt, có nhiệm vụ tăng cường mật độ thông lượng neutron nhiệt trong cột nước. Sau đợt khởi động thành công, nhóm khởi động lò tiếp tục các đợt nạp nhiên liệu để đạt trạng thái tới hạn đối với các cấu hình vùng hoạt có bẫy neutron. Đây là giai đoạn khởi động vật lý với cấu hình có bẫy neutron, thực hiện trong thời gian từ 15.12.1983 đến 27.1.1984. Có hai lý do phải chờ một tháng rưỡi mới bắt đầu khởi động vật lý nói trên.

Lý do thứ nhất là cần hoàn tất công việc chuẩn bị đưa các hệ thống công nghệ vào hoạt động ổn định như các hệ thống tải nhiệt vòng 1 và vòng 2; các hệ điều khiển SUZ và AKNP; các hệ máy kiểm tra KIP; hệ thống điện sự cố dùng máy phát điện diezel; hệ thống thải nước nhiễm xạ; các hệ đếm neutron phụ động; v.v.

Lý do thứ hai là việc xuất hiện hiện tượng xám các vỏ thanh nhiên liệu. Cấu trúc mỗi TNL gồm 3 vành nhiên liệu, mỗi vành có bề dày 2,5 mm, trong đó lớp nhiên liệu dày 0,7 mm nằm giữa còn hai bên là vỏ nhôm dày 0,9 mm. Lớp vỏ nhôm vừa đóng vai trò lớp dẫn nhiệt vừa bảo vệ tránh sự rò rỉ các sản phẩm phân hạch ra ngoài. Do đó việc bảo vệ sự toàn vẹn lớp vỏ nhôm là cực kỳ quan trọng, mà biện pháp đầu tiên là bảo đảm đúng chất lượng nước trong thùng lò để tránh sự ăn mòn kim loại. Việc theo dõi tình trạng các TNL được tiến hành ngay sau khi đạt trạng thái tới hạn đầu tiên vào ngày 1.11.1983. Cụ thể là ngày 2.11.1983 đã rút một số TNL và thanh nhôm chèn từ vùng hoạt đặt vào các cốc chứa tạm thời. Ngày 5.11.1983 đưa các TNL này lên xem thì thấy bề mặt của chúng bị xám. Rút một số TNL trong vùng hoạt ra xem thì chúng vẫn bình thường, không bị xám. Tuy nhiên nhóm khởi động lò đã quyết định rút toàn bộ nhiên liệu trong vùng hoạt đưa vào kho và tiến hành kiểm tra chất lượng nước. Ngày 12.11.1983 nhóm khởi động đã cho tháo toàn bộ nước trong thùng lò, rửa sạch thùng lò và cấp nước mới vào thùng lò với các chỉ tiêu hoá lý nằm trong giới hạn cho phép.

Hơn một tháng tìm hiểu chưa xác định được nguyên nhân vỏ thanh nhiên liệu bị xám nên ngày 15.12.1983 đã nạp lại nhiên liệu để tiếp tục chương trình khởi động vật lý lò. Ngày 18.12.1983 rút một số TNL ra xem thì thấy chúng bị xám nặng. Từ ngày 19.12.1983 dừng công việc khởi động để tìm hiểu nguyên nhân, mà chủ yếu là ba nhân tố sau đây: Nồng độ clo trong nước có thể vượt quá giới hạn quy định gây ăn mòn nhôm; khả năng bọt khí trong nước gây oxy hoá nhôm; và hiện tượng điện phân. Các phép đo cũng như thí nghiệm bổ sung cho thấy ba nhân tố này chưa phải là nguyên nhân gây xám vỏ nhôm. Để có số liệu kiểm tra khách quan, ngày 21.12.1983 Viện Nghiên cứu hạt nhân đã gửi 2 thanh nhôm chèn bị xám và một chai nước lấy từ bể lò sang Moskva phân tích. Ngày 12.1.1984 các kết quả phân tích nhận được từ Moskva cho thấy các chỉ tiêu nước giống như đã phân tích tại Đà Lạt và nằm trong phạm vị cho phép. Ngoài ra ở Moskva đã thành lập một Hội đồng gồm 10 chuyên gia để xem xét các thanh nhôm bị xám và kết luận là với hiện tượng xám này vẫn có thể tiếp tục đưa lò vào hoạt động. Với kết luận đó, ngày 14.1.1983 đã nạp thêm nhiên liệu vào vùng hoạt để tiếp tục quá trình khởi động lò.

Trong thời gian khởi động vật lý từ 15.12.1983 đến 27.1.1984, nhóm khởi động đã nạp thêm nhiên liệu để nhận được 4 cấu hình tới hạn có bẫy neutron với 74 TNL, 83 TNL, 86 TNL và 88 TNL. Một số thông số vật lý lò đã được xác định đối với các cấu hình vùng hoạt đó như đặc trưng tích phân và độ hiệu dụng của các thanh điều khiển, độ hiệu dụng của một số TNL và các thanh beryllium, phân bố tương đối của mật độ thông lượng neutron nhiệt tại một số ô theo chiều bán kính và chiều cao vùng hoạt, v.v..

Sau khi hoàn thành khởi động vật lý, trong khoảng thời gian từ 6.2.1984 đến 11.2.1984 nhóm khởi động tiến hành khởi động năng lượng, tức là đưa lò phản ứng lên trạng thái làm việc với công suất danh định 500 kW. Nhóm khởi động đã tiến hành các việc chuẩn công suất lò, đo mật độ thông lượng neutron, đo hệ số nhiệt độ của độ phản ứng, đo độ nhiễm độc xenon, đo nhiệt độ nước trong thùng lò và các vòng nước tải nhiệt, đo mức liều gamma và neutron, đo các thông số hệ thống tải nhiệt vòng 1, v.v.. Vùng hoạt làm việc của lò là cấu hình có bẫy neutron gồm 88 BNL với khối lượng 3537,0 g 235U. Hệ số nhiệt độ của độ phản ứng liên quan đến chất tải nhiệt và chất làm chậm (H2O) là  - 1.10-2 βeff / 0C. Mật độ thông lượng neutron nhiệt tại bẫy neutron đạt đến 2,1.1013 n/cm2s, là giá trị khá cao đối với lò công suất 500 kW. Ở công suất danh định 500 kW, nhiệt độ các vị trí trong vùng hoạt vào cỡ các giá trị tính toán.

Ngày 11.2.1984, lúc 19h06 lò được đưa lên làm việc ở công suất 500 kW và kéo dài trong 72 giờ liên tục, cho đến 19h06 ngày 14.2.1984. Công suất nhiệt được tính theo các giá trị đo được của các thông số nhiệt kỹ thuật nước vòng 1 và vòng 2. Trong quá trình làm việc 72 giờ này, công suất lò được chuẩn sao cho công suất trên bàn điều khiển, công suất thiết lập theo thanh điều khiển AR và công suất nhiệt là trùng nhau.

Như vậy đợt khởi động vật lý và khởi động năng lượng cho thấy lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có thể đưa vào hoạt động an toàn. Do đó lò được chính thức khánh thành ngày 20.03.1984. Từ năm 1984 đến nay lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoạt động an toàn trong 40 năm và các cán bộ khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đạt được nhiều kết quả trong việc nghiên cứu trên lò phản ứng đó.

6. Kết luận

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là một lò phản ứng nghiên cứu công suất bé, tuy nhiên việc xây dựng, lắp ráp các hệ thống công nghệ, đưa lò vào hoạt động và vận hành nó trong 40 năm qua cũng cho chúng ta những bài học giá trị.

Bài học quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ. Trong những năm 1960-1970 nhà nước Việt Nam cử nhiều cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, trong đó có ngành hạt nhân. Đến đầu những năm 1980 Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nói riêng và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nói chung đã thừa hưởng một đội ngũ cán bộ trình độ cao từ các nước về. Những nhà khoa học này sát cánh với hàng trăm cán bộ khoa học trẻ hoàn thành tốt đẹp công việc xây lắp trong giai đoạn khôi phục và mở rộng lò phản ứng cũng như trong quá trình khởi động và đưa lò phản ứng vào hoạt động. Qua công việc vận hành và nghiên cứu trên lò phản ứng trong 40 năm qua, một lực lượng đông đảo các nhà khoa học trẻ đã trưởng thành và làm chủ được công nghệ lò phản ứng và chủ trì các hướng nghiên cứu khoa học và ứng dụng khác. 

Bài học thứ hai là vấn đề an toàn được quan tâm đúng mức, kể cả an toàn hạt nhân lẫn an toàn bức xạ. Trong quá trình khởi động lò, các vấn đề an toàn đã được bàn luận kỹ càng trước khi bắt đầu khởi động và luôn luôn được quan tâm trong quá trình khởi động. Sự vận hành và khai thác lò phản ứng bảo đảm an toàn trong 40 năm qua là một minh chứng cho thấy sự quan tâm đúng mức của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Việc xây dựng thành công lò phản ứng và đưa lò vào hoạt động an toàn là một thành công của đội ngũ cán bộ công nhân viên của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt dưới sự lãnh đạo của GS Phạm Duy Hiển. Sự thành công đó có được còn là do sự quản lý và lãnh đạo của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam do GS Nguyễn Đình Tứ làm Viện trưởng, các anh Viện phó Nguyễn Qùy, Nguyễn Đình Diên và các anh chị ở các ban ngành như Phan Vịnh, Đoàn Thế Phiệt, Bùi Tiến Chiển, Trần Kim, Nguyễn Thị Tỵ, v.v.

Để hoàn thành được công trình xây dựng lò phản ứng tại thành phố Đà Lạt, chúng ta ghi nhớ sự quan tâm giúp đỡ của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Viện. Và nhân tố quyết định cho sự thành công của việc khôi phục và đưa lò phản ứng vào hoạt động đúng kế hoạch là sự chỉ đạo trực tiếp và sát sao của các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để có được cơ ngơi Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt ngày nay, chúng ta không quên công lao của hàng trăm kỹ sư và công nhân công ty xây dựng số 14 thuộc Tổng công ty xây dựng số 1 do KS Nguyễn Thiêm lãnh đạo. Chúng ta chân thành cảm ơn sự đóng góp của Công ty xuất nhập khẩu Technoimport do anh Nguyễn Háo làm giám đốc.

Chúng ta cũng vô cùng cảm ơn đoàn chuyên gia Liên Xô do ông Pecherski Vladimir Makarovich làm Kỹ sư trưởng dự án, ông Ulitin Valeri Fedorovich phụ trách công tác xây lắp lò, ông Arhanghenski Nikolai Vasiliavich phụ trách quá trình khởi động lò và ông Ozimai Nikolai Stepanovich phụ trách nhóm vận hành lò trong thời gian một năm bảo hành sau khi khánh thành lò.

Thế là 40 năm đã cận kề kể từ ngày khánh thành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Đó là một quãng thời gian ngắn trong lịch sử nhưng là khá dài đối với đời người, bởi vì vài thế hệ đã đóng góp sức lực và tâm huyết của mình cho sự nghiệp chung của Viện. Một số người trong chúng ta đã ra đi vĩnh viễn, họ để lại dấu ấn của một thời tuổi trẻ sôi nổi và đầy tự hào. Một số người đã trưởng thành và tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình ở trong và ngoài ngành hạt nhân. Một số đông các bạn trẻ tuổi bước tiếp con đường của các thế hệ trước đã đi qua, tiếp tục là lực lượng nòng cốt xây dựng Viện lớn mạnh. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt xứng đáng là cái điểm son của ngành hạt nhân Việt Nam cả trong 40 năm qua lẫn trong nhiều năm tới.

Tác giả bài viết: GS. Ngô Quang Huy

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu hạt nhân

Lượt xem: 4769

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 9

Lượt truy cập: 1503129