Trong khuôn khổ Dự án Hợp tác vùng Châu Á – Thái Bình Dương thông qua Dự án IAEA/RAS/9/094 về “Tăng cường chuẩn bị và ứng phó với sự cố hạt nhân tại các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”, Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo quốc tế về "Xây dựng chiến lược bảo vệ ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân". Hội thảo diễn ra từ ngày 24 đến 28 tháng 3 năm 2025 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với sự tham gia của 22 thành viên đến từ 12 quốc gia, gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, các chuyên gia của IAEA (TS Kunihiko Motomitsu và TS Muhammad Nadeem Hussain) cùng các cán bộ thuộc lĩnh vực chuyên môn của Dự án và một số cán bộ nghiên cứu từ các đơn vị trực thuộc của Viện NCHN.
Đại diện Ban Lãnh đạo Viện NCHN, TS Nguyễn Kiên Cường - Phó Viện trưởng đã phát biểu khai mạc Hội thảo, gửi lời cám ơn đến IAEA và chào đón các đại biểu quốc tế.

TS Nguyễn Kiên Cường – Phó Viện trưởng Viện NCHN phát biểu khai mạc Hội thảo
Mục tiêu của Hội thảo là xây dựng chiến lược bảo vệ, hướng đến việc thiết lập một hệ thống tổ chức ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân hiệu quả. Hệ thống này bao gồm cơ chế phối hợp chặt chẽ, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các tổ chức và cá nhân liên quan. Chiến lược này đảm bảo sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực, cho phép ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại về con người, môi trường và tài sản; bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành và chỉ huy ứng phó sự cố tuân theo nguyên tắc thống nhất, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế của sự cố.

TS Muhammad Nadeem Hussain – Chuyên gia IAEA trình bày bài giảng

TS Kunihiko Motomitsu – Chuyên gia IAEA trình bày bài giảng
Nhằm trang bị kiến thức nền tảng về xây dựng chiến lược, các báo cáo viên giàu kinh nghiệm đã cung cấp các thông tin quan trọng, bao gồm: Khái niệm về Chiến lược bảo vệ; Vai trò của mức tham chiếu và các tiêu chí chung trong Chiến lược bảo vệ; Vai trò của các tiêu chí thực thi trong Chiến lược bảo vệ; Những cân nhắc để xây dựng và thực hiện Chiến lược bảo vệ; Các yếu tố của Chiến lược bảo vệ; Cơ sở để lập kế hoạch và đánh giá nguy cơ; Xác định các khu vực có thể cần hành động ứng phó khẩn cấp; Biện minh và tối ưu hóa Chiến lược bảo vệ; Sự tham gia của các bên liên quan... Ngoài ra, một số tình huống cụ thể có thể xảy ra tại các nhà máy điện hạt nhân cũng được trình bày.
Để minh họa rõ nét và cung cấp thông tin thực tế, đại diện của 3 quốc gia (Pakistan, Nhật Bản và Việt Nam) đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Chiến lược bảo vệ ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của quốc gia mình để các thành viên tham dự dễ dàng hình dung và hiểu sâu hơn nội dung của các bài giảng. Tiếp nối phần lý thuyết, các buổi làm việc nhóm đã được tổ chức, tạo cơ hội cho các học viên làm quen với các phương pháp xây dựng chiến lược, trao đổi thông tin, thảo luận và giải quyết các tình huống cụ thể liên quan đến chủ đề của hội thảo. Bên cạnh đó, các đại biểu đã có chuyến tham quan Viện NCHN, trực tiếp tìm hiểu về hoạt động quản lý và vận hành Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, thiết bị hạt nhân duy nhất hiện có của Việt Nam.

Các thành viên của Hội thảo làm việc nhóm và trao đổi kinh nghiệm
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tiến sĩ Muhammad Nadeem Hussain đã bày tỏ lòng biết ơn đối với nước chủ nhà Việt Nam vì đã tổ chức thành công sự kiện quan trọng này. Ông cũng bày tỏ hy vọng với các kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo sẽ giúp các thành viên có thể triển khai và đóng góp vào việc xây dựng Chiến lược bảo vệ ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cho quốc gia mình, từ đó nâng cao năng lực ứng phó, thúc đẩy hợp tác và đảm bảo an toàn trong lĩnh vực bức xạ và hạt nhân trong khu vực.

TS Nguyễn Kiên Cường tặng quà lưu niệm cho các Chuyên gia IAEA
Một số hình ảnh tại Hội thảo và tham quan Viện NCHN





Tác giả bài viết: Thúy Quỳnh
Nguồn tin: Viện Nghiên cứu hạt nhân