Thế là gần đến 40 năm kỷ niệm ngày khánh thành Công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Là người chứng kiến từ những ngày đầu chuẩn bị cho việc khởi công dự án, tham gia thực hiện dự án cải tạo và mở rộng lò, tham gia nhóm lò những ngày đầu và sau này lại trực tiếp quản lý lò này với vai trò Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) cũng như Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN), nên rất nhiều kỷ niệm đã ùa về trong tôi. Kỷ niệm rất lộn xộn, thôi thì cố gắng nhặt nhạnh những mẫu chuyện vui buồn để hầu cùng mọi người giúp nhớ về một thời chúng ta đã sống và làm việc với cái lò này như thế nào!
Tôi không thuộc đội vào tiếp quản lò Đà Lạt ngay sau Giải phóng, nhưng cũng thuộc lớp đầu tiên vào làm việc tại đây khi lò phản ứng đã chuyển sang cho Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) quản lý. Tháng 10 năm 1979 tôi về nhận công tác tại Viện NCHN và sau Tết Canh Thân (1980) thì vào Đà Lạt làm việc. Viện mua vé tàu nằm cho chúng tôi vào Sài Gòn. Đoàn có tôi, chị Phương và các anh chị của trường kỹ thuật gồm anh Phe, anh Kỷ, anh Ngoan, anh Thuyết, anh Long, anh Lượng, chị Minh, chị Lành và chị Tước. Lần đầu tiên được đi tàu nằm dài như vậy và lại đi qua những vùng chiến sự đã từng rất ác liệt một thời gây cho tôi một cảm giác bâng khuâng khó tả vì tôi có người anh hy sinh ở vùng đất này. Tàu đi qua Quảng Trị, tôi tần ngần đứng nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ với những rặng phi laovun vút hai bên nơi mà anh tôi đã chiến đấu và nằm lại đâu đó. Chắc mọi người đi cùng đoàn không thể nào hiểu được tâm trạng của tôi khi đi qua vùng đất này với một câu hỏi luôn hiện trong đầu “Anh nằm ở nơi nào trên vùng đất này?”. Trên những chuyến tàu ngày ấy khá lộn xộn, người ngồi, người nằm la liệt dưới các ghế và lối đi. Tàu đến các ga thì người bán hàng lên xuống nhộn nhịp, khách đi tàu cũng tranh thủ mua cái gì đó để bán kiếm lời hay làm quà cho người thân.Có một cặp chị em hát rong mà tôi ấn tượng mãi, sao họ hát bài “Giã từ” hay thế chẳng khác gì ca sỹ chuyên nghiệp. Hơn một năm sau quay về Bắc trên chuyến tàu này để đi thi nghiên cứu sinh thì không thấy cặp hai chị em này nữa, chắc họ đã đến tuổi lấy chồng rồi nên không còn theo nghiệp hát ca kiếm tiền nữa.
Đón chúng tôi tại ga Bình Triệu là một trí thức Việt kiều từ Pháp về với dáng vẻ rất thư sinh và lịch lãm, TSKH Trần Hà Anh. Chúng tôi cảm nhận thật chân tình và hết sức phấn khởi về sự quan tâm của lãnh đạo Phân Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Lần đầu tiên đặt chân lên Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, mọi thứ với chúng tôi đều thật là mới mẻ. Có những địa danh chỉ biết qua báo ảnh thì nay lại được trực tiếp đến tận nơi như Dinh Độc lập, chợ Bến Thành,… Đoàn chúng tôi ở nhà khách của Viện tại 405-407 Cách Mạng Tháng 8, nhưng mọi người vẫn gọi theo tên cũ là đường Lê Văn Duyệt. Chị Gái, người quản lý nhà khách, hàng ngày nấu ăn cho chúng tôi những món ăn dân dã của Miền Nam, nhưng thật là ngon miệng. Sau 3 ngày ở Sài Gòn chúng tôi được Viện cho xe chở lên Đà Lạt bắt đầu một cuộc sống mới của các lò sỹ tại xứ sở hoa anh đào.
Đón chúng tôi tại khu tập thể của Viện ở Đà Lạt mới được nhận từ Giáo hội (Giáo hoàng Học viện Thánh PIE X ở số 13 đường Đinh Tiên Hoàng) là các anh vào trước gồm anh Bình, anh Minh và một số anh khác. Khuôn viên Giáo hoàng Học viện ngày ấy rất đẹp, cây cối được chăm sóc cẩn thận, nhà cửa được họ tu sửa lại trước khi bàn giao cho Viện nên rất sạch sẽ. Bóng đèn thắp sáng và các công tắc điện cũng được thay mới hoàn toàn. Khu nhà ăn tập thể và khu vui chơi giải trí (phòng chơi đàn piano, phòng bóng bàn, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân bóng đá) cũng được sửa sang để sẵn sàng phục vụ chủ mới là các lò sỹ chúng tôi. Mỗi người được phân 1 phòng ở với diện tích 6 m2 có tủ quần áo, gường nằm và bàn làm việc. Đối với chúng tôi đây là một niềm hạnh phúc quá lớn so với khi còn ở Hà Nội. Những ngày đầu mọi người chủ yếu ăn tập thể, trừ các anh chị có gia đình. Cứ buổi chiều sau giờ làm việc là anh em lại phân công thay nhau bổ củi cho nhà bếp nấu ăn. Ngày hai bữa ăn, sáng và chiều. Tuy nhiên, bữa sáng mọi người phải tự điều chỉnh ăn một chút, còn bớt lại cho vào cặp lồng để mang sang lò trưa còn có cái ăn. Sức thanh niên như chúng tôi thì bữa sáng có thể ăn hết, nhưng nếu ăn hết thì trưa lấy gì mà ăn. Nói chung những ngày ấy cơn đói cứ triền miên, ngày này qua ngày khác, suốt ngày bị cái dạ dày nó hành hạ. Hôm nào chủ nhật được mấy anh chị có gia đình mời qua khu Cô Giang cho một bữa no đã là hạnh phúc lắm rồi dù chỉ là cơm độn ngô thôi.Vấn đề cơm áo gạo tiền cũng là chủ đề mà năm nào hội nghị công nhân viên chức của cơ quan cũng được thảo luận sôi nổi, nhiều khi cứ như những cuộc đấu tố giữa anh em với người quản lý nhà ăn tập thể. Thế rồi cũng đến lúc giải tán nhà ăn tập thể, tất cả mọi người tự nấu ăn ngay trong căn phòng 6m2. Hệ thống điện của khu Giáo Hoàng Học viện đâu có để phục vụ cho các căn hộ nấu ăn nên sau đó tất cả hệ thống điện bị chập do quá tải.Viện lại phải đi lại một hệ thống điện nổi bên ngoài, nhưng việc đấy làm mất hết cả mỹ quan của một tòa nhà rất đẹp được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.
Hầu hết cán bộ của Phân viện Đà Lạt ngày ấy là những sinh viên mới tốt nghiệp các trường ở ngoài Bắc và các trường ở thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ các anh chị lãnh đạo và một vài người có gia đình, còn lại là độc thân.Với một khung cảnh thơ mộng như Đà Lạt nên có khá nhiều cặp đôi đã nên duyên tại khu Giáo hoàng Học viện này. Bắt đầu là ăn cơm chung, rồi cảm nhau và thành vợ thành chồng. GS Nguyễn Mộng Sinh đã trở thành ông Chủ hôn chuyên nghiệp của lò Đà Lạt cho bao nhiêu cặp ở cái Giáo hoàng Học viện này. Cũng có cặp ăn chung với nhau mãi mà chẳng thành rồi lại ai đi đường nấy. Có nhiều chàng trai lại thích khám phá vùng đất lạ như Cao đẳng sư phạm và Đại học Đà Lạt vì bụt chùa nhà không thiêng. Cứ tối thứ 7 và chủ nhật là từng nhóm kéo nhau qua Cao đẳng sư phạm và Đại học Đà Lạt. Cũng có mấy cặp nên duyên với các em sinh viên và cô giáo của 2 trường này. Cũng có những cô lò sỹ được nhiều anh để ý, nhưng rồi cũng chẳng nên duyên cùng ai ở cái lò Đà Lạt này cả. Ở cái mảnh đất lãng mạn như Đà Lạt nên cũng có những cuộc tình éo le tại khu Giáo hoàng Học viên nhưng lỗi chẳng của ai cả, lỗi là của cái “thằng” tình yêu và tiếng sét ái tình. Đám thanh niên của lò Đà Lạt ngày ấy, tuy đói kém, nhưng lại rất vui. Cứ tối đến thì tụ tập nhau học nhảy dưới tầng hầm của tòa nhà. Buổi chiều thường tổ chức đá bóng. Có những ngày nghỉ, lãnh đạo Viện còn tổ chức cho đi đá bóng giao hữu với các huyện xung quanh gồm khá nhiều cầu thủ người dân tộc rất khỏe. Phong trào lao động xã hội chủ nghĩa cũng được Đoàn thành niên của lò Đà Lạt hưởng ứng tích cực như đào hồ của Vườn hoa Thành phố, giúp nông trường Phi Vàng thu hoạch cà phê, …
Trong ngày đầu tiên sang lò Đà Lạt làm việc, tôi được GS Nguyễn Tác Anh, Trưởng phòng Vật lý hạt nhân, đón tiếp và giới thiệu. GS Nguyễn Tác Anh là thầy dạy học của tôi ở Đại học Bách khoa Hà Nội.GS Nguyễn Tác Anh đã động viên tôi về làm việc tại phòng Vật lý hạt nhân.Thế là tôi về đầu quân cho GS Nguyễn Tác Anh và làm việc tại phòng Vật lý hạt nhân.Công việc chưa có nhiều, chủ yếu là đọc sách và chuẩn bị các bài thực nghiệm trên thiết bị howitzer mà tôi sẽ nói sau. Vì đói nên phòng vật lý cũng như các phòng khác cũng phải tổ chức tăng gia cải thiện bằng cách trồng bí đỏ ở xung quanh lò và bên khu Giáo hoàng Học viện. Hôm thu hoạch được một xe bí và anh em phải tự chở ra chợĐà Lạt bán; tôi cũng chẳng nhớ bán được bao nhiêu tiền, nhưng cũng thấy vui vì đã làm ra được sản phẩm có ích, trong khi làm khoa học thì chưa có sản phẩm gì. Ngoài ra, tôi còn tham gia phụ giảng cho GS Nguyễn Tác Anh môn Vật lý nơtron cho sinh viên khóa 1 của Đại học Đà Lạt. Bắt đầu từ khóa 2, tôi chính thức được GS Nguyễn Tác Anh cho phép đứng lớp dạy cho sinh viên môn Vật lý nơtron. Nội dung chính của bài giảng là từ cuốn Vật lý nơtron của Berkus. Đây là cuốn sách nổi tiếng về Vật lý nơtron. Khi tham gia giảng dạy môn này, tôi đã kết hợp cho sinh viên làm các bài tập được lấy từ tài liệu giảng dạy của Fermi có trong thư viện của lò Đà Lạt để các em có thể hiểu sâu hơn các kiến thức môn học. Chính việc tham gia giảng dạy tại Đại học Đà Lạt mà tôi đã nên duyên cùng với vợ tôi bây giờ là cựu sinh viên khóa 3 của khoa Vật lý. Với sự nỗ lực của bản thân, sau hơn 1 năm làm việc tôi đã được GS Nguyễn Tác Anh cử đi thi nghiên cứu sinh khi Viện trưởng Nguyễn Đình Tứ vào làm việc với Phân viện Đà Lạt cuối năm 1981 để thông báo về việc cho Phân viện chỉ tiêu đi thi nghiên cứu sinh. Tôi là người đầu tiên của Phân viện Đà Lạt được cử đi thi nghiên cứu sinh và ơn Giời được đỗ ngay lần đầu.
So với các cơ sở phòng thí nghiệm hạt nhân của Miền Bắc ngày ấy thì phòng thí nghiệm của lò Đà Lạt cũ được trang bị các thiết bị ghi đo hạt nhân khá hiện đại, tuy vậy cũng chưa có đầu dò bán dẫn. Tôi được phân công nghiên cứu phục hồi các bài thí nghiệm nơtron trên thiết bị Howitzer để huấn luyện cho anh em chuẩn bị đi học điều khiển lò tại Liên Xô.Với vốn tiếng Anh ít ỏi được học ở trường đại học nên khá vất vả để dịch các bài thực hành này sang tiếng Việt. Bộ các lá dò và thiết bị Howitzer đã được chúng tôi khai thác, dựng lại các bài thí nghiệm đo thông lượng, độ dài làm chậm, độ dài khuếch tán, albedo, tiết diện phản ứng,… rất cần thiết để hiểu về Vật lý kỹ thuật lò phản ứng. Về sau Đại học Đà Lạt cũng nhờ chúng tôi tư vấn để làm một hệ tương tự giúp đào tạo sinh viên, còn nguồn nơtron thì mượn từ lò Đà Lạt (nguồn Am-Be và Pu-Be). Chính nguồn nơtron Pu-Be cũng đã làm cho Viện Nghiên cứu hạt nhân sau này năm 1990 phải hú hồn khi Đoàn thanh sát của IAEA yêu cầu báo cáo, trong khi chúng ta đang cho một đơn vị ở phía Bắc mượn. Chúng tôi đã phải tổ chức thu hồi và đo kiểm tra cái nguồn được một đơn vị phía Bắc gửi trả xem có phải là nguồn Pu-Be không trước khi Đoàn Thanh sát của IAEA tới Đà Lạt vì Pu thuộc loại vật liệu hạt nhân phải khai báo cho IAEA. Năm 2000, khi có dự án của Viện Nghiên cứu NLNT Nhật Bản hỗ trợ cho Viện NLNTVN về ghi đo bức xạ, tôi cũng đã đề nghị họ hỗ trợ một nguồn nơtron để xây dựng lại các bài thí nghiệm này cho khu vực phía Bắc.Năm 1979, Phân viện Đà Lạt được đầu tư một thiết bị đo hạt nhân hiện đại IN-90 sử dụng đầu dò bán dẫn của hãng Intertechnique. Đây là 1 trong 2 thiết bị đo bằng đầu dò bán dẫn duy nhất của nước ta ngày ấy. Việc được sử dụng hệ đo này phải thông qua một khóa đào tạo, có tổ chức kiểm tra rất nghiêm túc. Anh Tôn Thất Côn, cán bộ cũ của Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tửĐà Lạt, Trưởng phòng Điện tử hạt nhân là người trực tiếp tổ chức dạy và kiểm tra. Rất nhiều khóa học đã được tổ chức vì mọi người đều có mong muốn được sử dụng một thiết bị đo và xử lý số liệu tân tiến nhất lúc bấy giờ ở Việt Nam. Chẳng những cán bộ của lò Đà Lạt, mà còn có các anh em của bên Quân Đội cũng tham gia học để có thể được sử dụng thiết bị này. Ngoài kiểm tra chuyên môn, anh Côn còn kiểm tra cả nề nếp làm việc xem có cẩn thận, ngăn nắp không. Nhiều người được anh Côn gài như để mấy tờ giấy vụn bên dưới mà học viên không biết thu dọn sạch sẽ trước khi bắt đầu làm việc cũng bị đánh trượt. Đấy cũng là một nội dung của văn hóa an toàn trong một cơ sở hạt nhân mà bây giờ thì mọi người đều đã hiểu. Việc sử dụng IN-90 giúp tôi nâng cao kỹ năng về lập trình FORTRAN để sau này khi đi thi nghiên cứu sinh có môn Toán cho Vật lý lại trở nên rất đơn giản. Trong những bức ảnh kỷ niệm của lò Đà Lạt về các cuộc viếng thăm của lãnh đạo Đất nước, tôi có tấm hình chụp làm việc trên IN-90 khi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ thăm lò Đà Lạt. Ngoài việc tự rèn luyện chuyên môn, chúng tôi phải dành nhiều thời gian học tiếng Anh với GS Tạ Tất Thắng, cán bộ cũ của Cao Đẳng sư phạm Đà Lạt. Có thể nói hầu như tất cả các cán bộ của Viện Đà Lạt sử dụng được tiếng Anh trong công việc là công rất lớn của thầy Tạ Tất Thắng đào tạo. Đây cũng là lợi thế cho tôi khi thi nghiên cứu sinh vì cũng có môn thi tiếng Anh. Những ngày đầu thầy Thắng còn đi xe cup sang lò Đà Lạt dạy cho chúng tôi theo cuốn English for Today. Sau đó khi dự án khôi phục và mở rộng lò được thực hiện, chúng tôi học tại Giáo hoàng Học viện và khi Thầy cao tuổi thì Thầy tổ chức dạy tại nhà. Viện Đà Lạt đã xem thầy Thắng như một thành viên của Viện nên khi Viện được tỉnh Thuận Hải cung cấp cá hàng tháng thì Thầy cũng có tiêu chuẩn như chúng tôi. Kỷ niệm 40 năm lò Đà Lạt chắc Viện Nghiên cứu hạt nhân cũng sẽ mời Thầy tham dự Lễ kỷ niệm như một thành viên danh dự của Viện những ngày đầu.
Được làm việc tại một cơ sở hạt nhân duy nhất của nước ta có lò phản ứng nên nhiều ước mơ, hoài bão làm nên sự nghiệp cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam đã được các thế hệ lò sỹ chúng tôi theo đuổi từ ngày ấy cho đến tận hôm nay.Vì vậy, mặc dù những ngày đầu đói kém như vậy, nhưng chúng tôi lại học được rất nhiều cả chuyên môn và ngoại ngữ.Tất cả đều là tự đào tạo. Đọc và viết được rất nhiều thứ về chuyên môn trong những ngày này.Cán bộ nghiên cứu phải tự đào tạo là chính, có chăng bồi dưỡng về phương pháp luận nghiên cứu hoặc cử đi làm việc tại các trung tâm nghiên cứu quốc tế có điều kiện tốt hơn về trang thiết bị và người hướng dẫn. Bây giờ trong lĩnh vực KH&CN có quá nhiều chương trình, đề án đào tạo cán bộ nghiên cứu, cán bộ đầu đàn,…của các Bộ, ngành và địa phương với thời lượng ngắn và dài khác nhau. Tôi thì hơi nghi ngờ về kết quả của các chương trình, đề án đào tạo này. Không phải ai tốt nghiệp đại học và làm việc ở viện nghiên cứu cũng là nhà nghiên cứu. Nhiều người không thể trở thành nhà nghiên cứu được. Nhà khoa học đầu đàn cũng không qua đào tạo mà phải tự đào tạo là chính và được cộng đồng trong lĩnh vực suy tôn. Bây giờ lại có chuyện công nhận nhà khoa học đầu ngành nữa và rồi còn yêu cầu mọi người đăng ký hồ sơ để công nhận là nhà khoa học đầu ngành, trong đó có thủ tục xin ý kiến của Hội chuyên ngành.Chắc chẳng ai dám làm cái hồ sơ xin công nhận mình là nhà khoa học đầu ngành đâu.
Tháng 12 năm 1981 tôi được Viện cho nghỉ làm việc để ra Hà Nội chuẩn bị ôn thi nghiên cứu sinh. Đây cũng là một chiến lược chuẩn bị cán bộ của lãnh đạo Viện NCHN ngày ấy. Một cảm giác vừa mừng và vừa lo. Mừng vì được đi thi nghiên cứu sinh sớm như vậy là một vinh dự lớn, một sự ghi nhận của lãnh đạo Viện về quá trình làm việc của bản thân. Tuy nhiên, cái lo còn lớn hơn vì nhỡ trượt thì sao vì nhãn tiền bên Đại học Đà Lạt mấy anh đi thi các năm trước đều trượt cả.Tôi và anh Toàn (phòng Sinh học) là 2 người duy nhất của lò Đà Lạt được cử đi thi năm ấy. Anh Toàn về sau bị tai nạn giao thông nên đã bỏ thi. Nói về việc đi thi nghiên cứu sinh ở Hà Nội, tôi phải cám ơn các bạn tôi đã cưu mang chỗ ở những ngày đầu trở lại Hà Nội cuối năm 1981 và nửa đầu năm 1982. Các thầy dạy phụ đạo chúng tôi các môn chuyên môn và toán cho vật lý gồm thầy Lê Băng Sương, thầy Ngô Phú An, thầy Nguyễn Nguyên Phong, thầy Cao Chi và thầy Nguyễn Tiến Nguyên. Trong những ngày hè nóng bức của năm 1982 như vậy các thầy đã tận tình dạy cho chúng tôi, không một chút thù lao nào cả. Tôi nhớ khi kết thúc phụ đạo, những anh em cùng thi năm đó mua một túi hoa quả chỉ có dưa lê, chuối biếu thầy Sương, nhưng thầy lại chia lại cho chúng tôi và nói các em phải ăn để có sức học thi cho tốt. Thật hiếm có những người thầy như vậy ở thời hiện tại.Gia đình là niềm động viên to lớn giúp tôi vượt qua được kỳ thi khó khăn này.Thỉnh thoảng bố mẹ lại bảo cậu em rể mang thêm trứng gà cho tôi bồi dưỡng. Có đợt chẳng hiểu sao lại bị tiêu chảy thế là cụ Giáo (Thầy dạy học của bố tôi ở 25 Nam Trang), dù đã ngoài 80, cụ vẫn đạp xe mang thuốc đến cho tôi. Lúc tôi tổ chức gặp mặt cho gia đình tôi và gia đình bên vợ ở Hà Nội, cụ Giáo cũng có mặt cùng với bố tôi để thưa chuyện cùng gia đình bên vợ tôi. Tình cảm thầy trò ngày xưa thật là sâu nặng và hiện chúng tôi vẫn đi lại với con cụ Giáo. Sau khi có kết quả thi nghiên cứu sinh, tôi đã đến 67 Nguyễn Du để báo cáo với sếp Phạm Duy Hiển, Viện trưởng của Phân viện Đà Lạt. GS Phạm Duy Hiển lại hỏi xem tôi có thể làm hồ sơ đi Dupna được không. Đi Dupna là mơ ước của mọi anh em làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử ngày ấy. Giá mà sếp Hiển cho làm hồ sơ đi Dupna trước khi đi thi nghiên cứu sinh thì chắc tôi sẽ vui mừng biết nhường nào cũng như cảm ơn Sếp biết baovì đỡ phải tham gia kỳ thì quá ư là khốc liệt này. Nay đã vượt qua ải rồi thì tôi sẽ không thể nào nhận lời đăng ký đi làm việc ở Dupna được. Thế là tôi đã phải nói lời cám ơn Sếp, nhưng tôi sẽ không tham gia đăng ký đi làm việc ở Dupna được. Chẳng biết lời từ chối của tôi có làm Sếp phật lòng không?
Kết thúc kỳ thi nghiên cứu sinh khắc nghiệt, tôi lại trở về Đà Lạt tiếp tục công việc và chờ ngày đi học ngoại ngữ theo phân công của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Thế là tôi có hơn một năm tham gia vào công trình khôi phục và mở rộng lò Đà Lạt cũng như tiếp tục làm các nghiên cứu để chuẩn bị đề cương đi làm nghiên cứu sinh. Chúng tôi không thuộc ekip phải làm 100% thời gian cho dự án “xây lò”, mà chỉ thỉnh thoảng được huy động cho những công việc cụ thể. Trong thời gian cải tạo và nâng cấp lò Đà Lạt cũ, các phòng thí nghiệm được chuyển về khu Giáo hoàng Học viện. Toàn bộ cột nhiệt của lò phản ứng và các thiết bị ghi đo hạt nhân do phòng Vật lý hạt nhân quản lý được chuyển về phòng Khách của khu C và tầng 1 của khu A. Các thí nghiệm phân tích kích hoạt nơtron trên nguồn đồng vị để xác định Al và Si trong quặng Bauxit đã được chúng tôi thực hiện. Vì thời gian bán rã của Al-28 chỉ có hơn 2 phút, nên sau mỗi lần chiếu lại phải chạy thật nhanh sang phòng đo. Về sau thì có sáng kiến sử dụng xe đạp để chạy mẫu cho nhanh hơn. Thư viện của lò Đà Lạt ngày ấy cũng có khá nhiều sách và tạp chí. Ngoài các sách và tạp chí của Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt cũ để lại, lò Đà Lạt nhận được khá nhiều sách và tạp chí về hạt nhân của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa tặng. Tạp chí đã giúp ích tôi rất nhiều trong chuẩn bị đề cương cho luận án nghiên cứu sinh sau này. Ngoài ra, còn có bộ các tài liệu về kỹ thuật bức xạ bằng tiếng Nga với nhiều bài viết rất hay và cần thiết cho công tác nghiên cứu trên lò phản ứng.Trong thời gian này, quân số của lò Đà Lạt đã tăng lên rất nhiều. Có nhiều anh chị mới được bổ sung thêm cho lò Đà Lạt. Tuy nhiên, cuộc sống thì vẫn còn rất khó khăn, cái ăn vẫn còn chưa đủ no, chưa dám nghĩ đến ăn ngon. Mấy anh em trong nhóm ở Giáo hoàng Học viện gồm anh Nguyễn Bách Hợp, Nguyễn Nguyên Hy và mấy người trẻ như chúng tôi hình thành một hợp tác xã làm đinh theo đề xuất của anh Hợp (chuyên gia về cơ khí). Mỗi người góp một ít tiền mua máy dập đinh từ dây thép gai. Sản phẩm đinh chẳng thấy đâu, nhưng thỉnh thoảng hợp tác xã lại tổ chức ăn nhậu thịt chó với nhau. Có những dịp anh Triển ở ngoài Hà Nội vào còn trổ tài nấu một nồi 7 món thịt chó luôn. Có dịp Cơ quan tổ chức cho anh em đi nghỉ ở Phan Rang, thế là anh Hy tư vấn anh em mua một ít rau củ mang xuống Phan Rang bán để có thêm tiền chi tiêu. Thật không may là anh Trưởng phòng Quản trị lại không cho mang các thứ đó lên xe (xe tải của Viện có mui che). Nhóm phải cử người ở lại giải quyết hậu quả (tôi và anh Lê Hồng Khiêm). May có chị Giao giúp đỡ bán lại các đồ rau củ để thu được phần nào tiền đầu tư. Để giữ thể diện, sáng hôm sau tôi và Khiêm lại bắt xe đò đi Phan Rang nghỉ cùng mọi người, coi như không có việc gì xảy ra, mặc dù trong bụng thì không được vui. Được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hàng tháng tỉnh Thuận Hải đã cung cấp cá cho cán bộ Viện. Anh Nguyên, Phó phòng Quản trị, được giao thực hiện nhiệm vụ này. Mỗi đợt đi thường phải 2 ngày và tất cả cán bộ Viện đều chờ mong ngày anh Nguyên mang cá về. Những ngày đó Giáo hoàng Học viện vui như Tết. Các món cá được mọi nhà chế biến và đun nấu tại các hành lang của tòa nhà. Mùi cá bao trùm toàn bộ tòa nhà Giáo hoàng Học viện. Phần lớn là kho hoặc làm ruốc để ăn dần chứ có nhà nào có tủ lạnh đâu mà bảo quản lâu được. Đây là ưu ái cho các lò sỹ rồi, ngoài tiêu chuẩn thịt 2,5 kg và đường sữa độc hại nữa, trong khi cán bộ bên ngoài chỉ 4 lạng thịt một tháng. Giá trị của các lò sỹ ngày ấy là ở đây, chứ đâu phải ở tri thức!
Tháng 9 năm 1983 tôi đi học tiếng Nga tại thành phồ Hồ Chí Minh cho đến tháng 6 năm 1984 thì kết thúc và quay trở lại lò Đà Lạt làm việc. Lúc này dự án khôi phục và mở rộng lò Đà Lạt đã cơ bản hoàn thành. Ngày 20 tháng 3 năm 1984 lò phản ứng mới (lò IVV-9) đã được vận hành trở lại. Tôi không được vinh hạnh chứng kiến giây phút ngọn lửa xanh của lò phản ứng lại được thắp sáng trên cao nguyên Lâm Viên, nhưng được tham gia khảo sát để chuẩn bị cho việc khai thác các chùm nơtron của lò phản ứng. Duyên nợ thế nào mà tôi lại được giao khảo sát đặc trưng nơtron của kênh xuyên tâm số 4 để rồi sau này gắn bó lâu dài với nó cho đến khi chuyển ra Hà Nội. Chúng tôi kết hợp với nhóm hóa học của anh Nguyễn Quốc Hiến đo phân bố thông lượng và phổ nơtron bằng kỹ thuật kích hoạt và đo liều bức xạ bằng liều kế Fricken. Các kết quả đo là cơ sở để hoạch định kế hoạch khai thác sử dụng kênh xuyên tâm số 4 của lò trong tương lai. Ngày ấy phương tiên bảo hộ còn rất thiếu, nên mỗi lần mở kênh là các cảnh báo phóng xạ trong lò lại báo hiệu cả bằng đèn và âm thanh. Nhưng mặc cho nó kêu, cho nó phát sáng, chúng tôi vẫn phải làm vì đó là nhiệm vụ đã được Sếp giao. Bây giờ nghĩ lại thấy liều quá! Sau khi lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được vận hành trở lại, một bầu không khí lạc quan về tương lai của ngành NLNT vì hầu như tất cả các lãnh đạo Đất nước đều dành thời gian đến thăm nơi này. Hiếm có một cơ sở nghiên cứu nào ở nước ta mà tất cả nguyên thủ quốc gia đều đã từng viếng thăm như lò Đà Lạt. Viện Đà Lạt được tăng cường quân số nhiều hơn và còn phối hợp với bên Đại học Đà Lạt mở khóa đào tạo “Trung cấp hạt nhân”. Chắc các anh lãnh đạo Viện cũng đang rất lạc quan nên đã phải chuẩn bị trước đội ngũ hùng hậu cho tương lai bằng cách mở thêm cả đào tạo “Trung cấp hạt nhân”. Về sau kinh tế Đất nước ngày một khó khăn, công ăn việc làm không có nên chỉ sau vài khóa đào tạo “Trung cấp hạt nhân” là kết thúc, không kèn, không trống.
Theo kế hoạch thì tháng 10 năm 1984 tôi sẽ được đi Liên Xô sau khi kết thúc khóa học tiếng Nga cho nghiên cứu sinh. Chờ mãi chẳng thấy có thông báo nào của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.Tâm trạng bồn chồn, lo lắng vì chẳng biết hỏi ai ở cái xứ Đà Lạt xa xôi.Thế là tôi xin nghỉ phép ra Hà Nội để hỏi xem sao. Năm đó khoảng 20 người đi nghiên cứu sinh chưa tìm được cơ sở nhận nên không đi được, trong đó có tôi.Chúng tôi tổ chức họp nhau tại nhà anh Lê Văn Hồng ở phố Huế và cùng kiến nghị Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cho bảo lưu kết quả chờ năm sau.Cuối năm đó tôi bị một trận ốm nặng phải nghỉ làm việc gần nửa tháng. Có lẽ do tâm buồn nên mới bị bệnh như thế. Để giải quyết bế tắc này, tôi vẫn phải tích cực làm chuyên môn theo phân công của lãnh đạo Phòng Vật lý hạt nhân để tìm được niềm vui qua công việc. Năm đó Phòng Vật lý hạt nhân giao cho tôi cùng anh Phan Sơn Hải xây dựng hệ phân tích uran trên máy đo 1 kênh. Về sau anh Hải đã thay tôi trở thành Trưởng phòng Vật lý hạt nhân và sau đó là Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân. Cùng với đó, tôi đã nhờ những anh em đi trước viết thư giới thiệu giáo sư của các trường đại học bên Liên Xô với hy vọng sẽ được họ nhận, bất kỳ ở nước cộng hòa nào cũng được. Anh Trần Khánh Mai giúp gửi cả thư sang Đại học Tổng hợp Tbilisi, nơi anh đã làm nghiên cứu sinh ở đó. May mắn tôi đã được giáo sư của Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev nhận và ngày 10 tháng 10 năm 1985 tôi chính thức sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Định hướng nghiên cứu về phản ứng hạt nhân với nơtron đã được chuẩn bị trước, nên khi gặp thầy hướng dẫn, tôi và thầy đã nhanh chóng thống nhất về phương hướng nghiên cứu, trong đó sẽ có phần thực nghiệm làm trên các chùm nơtron phin lọc của lò phản ứng hạt nhân Kiev với mong muốn sẽ tiếp tục triển khai khi về Việt Nam. Thật may mắn là khi tôi về nước thì Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Nghiên cứu hạt nhân Kiev đã ký văn bản hợp tác về phát triển kỹ thuật phin lọc nơtron trên lò Đà Lạt. Năm 1990 thầy hướng dẫn phụ của tôi là GS Murzin đã trực tiếp sang Đà Lạt hỗ trợ việc triển khai lắp đặt các phin lọc nơtron sử dụng đơn tinh thể silic kết hợp với một số vật liệu khác để nhận được các chùm nơtron 55 keV và 144 keV cùng với chùm nơtron nhiệt. Sau gần 2 tuần làm việc miệt mài, thậm chí là hơi nguy hiểm vì không có đủ phương tiện bảo đảm an toàn bức xạ, các chùm nơtron phin lọc chuẩn đơn năng lần đầu tiên đã thu được trên lò Đà Lạt và mở ra một hướng nghiên cứu mới về Vật lý hạt nhân thực nghiệm ở nước ta. Cho đến nay, nhóm khai thác kênh của lò Đà Lạt thuộc phòng Vật lý hạt nhân là nhóm đào tạo được nhiều tiến sỹ Vật lý hạt nhân thực nghiệm nhất sử dụng 100% nguồn nội lực. Đây là niềm tự hào của nhóm chúng tôi. Khi đã có các chùm nơtron phin lọc rồi, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu để triển khai các nghiên cứu cụ thể như đo tiết diện phản ứng, nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và phát triển một số hướng nghiên cứu ứng dụng. Nhờ có thiết bị của nhóm chúng tôi, anh Đinh Sỹ Hiền là người đầu tiên đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ Vật lý hạt nhân tại lò Đà Lạt về hệ phổ kế chống Compton – tạo cặp và bây giờ đã trở thành giáo sư của Trường Đại học KHTN thành phố Hồ Chí Minh. Hệ phổ kế chống Compton – tạo cặp được thiết kế dựa trên hai tinh thể NaI(Tl) đường kính khoảng 20 cm được chuyên gia của Viện NCHN Kiev mang qua trong chương trình hợp tác nghiên cứu cùng với các phin lọc nơtron. Đổi lại Viện NCHN đã chuyển cho phía bạn một máy tính PC 286. Tôi phải trực tiếp làm thủ tục tại Hải quan thành phố Hồ Chí Minh để các chuyên gia Liên Xô mang máy tính PC 286 về nước. Sau đó mấy năm liên tục nhận được công văn của Hải quan thành phố Hồ Chí Minh nhắc khi nào thì mang máy tính trở lại Việt Nam. Sau vài năm thì họ không nhắc nữa có lẽ giá máy PC 286 còn rất rẻ, trong khi phin lọc nơtron và tinh thể NaI(Tl) đường kính 20 cm thì đến bây giờ vẫn còn rất đắt. Như vậy chúng ta được lợi nhiều trong dự án hợp tác nghiên cứu này cả về chuyên môn và thiết bị. Năm 1995, khi tôi đang làm cộng tác viên tại Viện Nghiên cứu NLNT Nhật Bản thì nghe tin GS Murzin đã qua đời sau cơn đột quỵ. Một nỗi buồn lớn đối với chúng tôi, cả tình thầy trò và tình đồng nghiệp vì GS Murzin đã hẹn sẽ quay lại Đà Lạt để tiếp tục chương trình hợp tác hai bên đã thống nhất, nhưng sự tan rã của Liên Xô năm 1991 nên mọi việc coi như chấm dứt. Các thành viên nhóm Khai thác kênh đã trưởng thành từ nghiên cứu trên các chùm nơtron phin lọc có thể kể ra gồm có PGS.TS Nguyễn Xuân Hải (Phó Viện trưởng), TS Phạm Ngọc Sơn (Trưởng phòng), TS Trần Tuấn Anh (Trưởng phòng).Một số anh khác làm việc tại Nhóm cho đến khi nghỉ hưu và một số thì đã chuyển đi cơ quan khác ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nộivà Đà Nẵng theo nguyện vọng để hợp lý hóa gia đình. Hy vọng kỷ niệm 40 năm lò Đà Lạt sẽ là cơ hội quý để anh em lại được gặp nhau ôn lại những kỷ niệm của cái thời kỳ đầu đầy khó khăn khi phát triển nhóm khai thác kênh. Lúc ấy chúng tôi được Viện cấp cho duy nhất chỉ một chiếc detector bán dẫn Intertechique bị hở chân không. Muốn làm việc phải sấy khô để đạt được độ phân giải theo yêu cầu, có khi mất cả tuần cũng không được thế là mất toi 1 tuần lò chạy. Phải đến năm 1998 khi tôi được điều động ra làm Phó Viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện NLNTVN mới có điều kiện đầu tư cho hướng nghiên cứu này. Qua đây mới thấy nếu không có sự quan tâm của lãnh đạo thì dù cho một hướng nghiên cứu có triển vọng cũng chưa chắc đã phát triển được! Trước khi ra Hà Nội, tôi đã cùng anh Nguyễn Hữu Quang xuống Vũng Tàu tổ chức một buổi hội thảo giới thiệu về các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong dầu khí dựa trên thông tin từ các tài liệu quốc tế có được. Rất may là đã được phía Liên doanh Dầu khí Việt Xô ủng hộ và cho phép hợp tác triển khai nghiên cứu. Đây là cơ sở để về sau Viện NLNTVN đã cho phép tách nhóm đánh dấu của anh Quang thành một trung tâm riêng trực thuộc gọi là Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp. Anh Quang làm Giám đốc Trung tâm này cho đến khi nghỉ hưu.
Đầu những năm 1990, Viện có dự án tổng kiểm tra và đại tu lò Đà Lạt. Với sự quen biết các chuyên gia Liên Xô làm việc tại Obninsk, tôi đã nhận nhiệm vụ sang bên đó nhờ mua một số linh kiện thay thế cho lò phản ứng sau khi tham dự Hội thảo của IAEA tại Obninsk. Chuyện về chuyến đi này cũng có nhiều cái buồn, nhưng không gắn với lò Đà Lạt nên không nhắc đến ở đây, nhiều lúc nghĩ lại cứ giật mình thon thót.
Sau khi đảm nhận cương vị Viện trưởng Viện NLNTVN, mối quan tâm của tôi rộng hơn, đặc biệt là chương trình phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, với lò Đà Lạt vẫn còn một số việc cũngphải được quan tâm xử lý. Đó là việc cấp phép cho các dược chất phóng xạ đã được Bộ Y tế cho dùng thử nghiệm sau rất nhiều năm. Viện NLNTVN đã cho phép một dự án đầu tư phục vụ cho hoàn thiện thủ tục cấp phép cho các dược chất phóng xạ và giao cho GS Lê Văn Sơ chủ trì với kinh phí 500 triệu không hề nhỏ ngày ấy. Rất nhiều buổi làm việc và gặp gỡ cả chính thức tại cơ quan cũng như tại nhà riêng của cán bộ bên y tế để hỗ trợ cho việc sớm ban hành giấy phép sử dụng dược chất phóng xạ của lò Đà Lạt. Cuối cùng thì vụ việc cũng đã được xử lý và chúng ta được danh chính cung cấp dược chất phóng xạ cho các cơ sở y tế trong nước cũng như xuất khẩu sang Camphuchia sau này.
Mặc dù lò Đà Lạt vận hành từ năm 1984, nhưng vẫn chưa có giấy phép vận hành chính thức của Cơ quan pháp quy hạt nhân Quốc gia.Viện NLNVN đã hợp tác với Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ làm các thủ tục cần thiết trình lãnh đạo Bộ KH&CN ký giấy phép vận hành đầu tiên cho lò phản ứng Đà Lạtsố 380/GP-BKHCN ngày 18/03/2004 và năm 2009 giấy phép vận hành lò Đà Lạt lại được gia hạn tiếp. Việc này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quản lý pháp quy hạt nhân ở nước ta.
Nhiệm vụ cuối cùng cho lò Đà Lạt mà tôi đã thực hiện với vai trò Viện trưởng Viện NLNTVN và Cục trưởng Cục ATBXHN là chuyển đổi nhiên liệu cho lò phản ứng từ nhiên liệu độ giàu cao HEU (36%) xuống loại nhiên liệu độ giàu thấp LEU (19,75%). Đây là Chương trình hợp tác 3 bên gồm IAEA, Hoa Kỳ và Nga để thực hiện chuyển đổi các lò phản ứng nghiên cứu trên thế giới từ nhiên liệu HEU sang LEU và đưa số nhiên liệu HEU về lại nước cung cấp (Hoa Kỳ hoặc Nga) nhằm tránh cho việc sử dụng các nhiên liệu độ giàu cao vào mục đích phi hòa bình (quân sự). Lò Đà Lạt nằm trong số 106 lò phản ứng nghiên cứu trên thế giới được đề nghị tham gia Chương trình này.Việc đàm phán với các đối tác nước ngoài được thực hiện từ tháng 12/2003 đến tháng 9/2007.Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là sự đồng thuận của các cơ quan có liên quan ở trong nước. Có những lúc tưởng không thể vượt qua được rào cản từ các cơ quan trong nước do nhận thức còn khá xa nhau. Có những buổi làm việc với cơ quan trong nước tôi còn bị phê bình là sử dụng ngôn từ “bạn” không đúng khi nói về đối tác của chương trình chuyển đổi nhiên liệu này. Bản thân thì nghĩ đơn giản vì Nghi quyết của Đảng đã nói Việt Nam muốn làm bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế thì việc dùng từ “bạn” chắc cũng không sai với đường lối của Đảng. Sự việc đang đi vào bế tắc thì Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12-19/11/2006 với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên. Trong Hội nghị này có cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch nước ta và Tổng thống Hoa Kỳ. Cuộc gặp đề cập đến nhiều chủ đề, nhưng chắc chắn có đề xuất của phía Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam tham gia thực hiện Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Có thể từ kết quả cuộc gặp cao cấp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng có thể đã có sự chỉ đạo của Bộ Chính trị muốn dành sự kiện Việt Nam tham gia thực hiện Chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho lò Đà Lạt như một món quà cho Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Việt Nam năm 2006. Thế là sau Hội nghị Cấp cao APEC năm 2006, các thủ tục pháp lý ở trong nước đã được thực hiện rất nhanh và chúng ta (Bộ KH&CN) chỉ còn đàm phán chi tiết với các đối tác IAEA, Hoa Kỳ và Nga để triển khai thực hiện.Chương trình được thực hiện qua 2 giai đoạn.Giai đoạn 1 kết thúc vào tháng 9/2007 với việc Việt Nam tiếp nhận 36 bó nhiên liệu LEU chưa qua sử dụng, đồng thời đưa trả về Liên bang Nga 35 bó nhiên liệu HEU chưa qua sử dụng. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt nạp 6 bó nhiên liệu LEU và chuyển đổi Lò Đà Lạt sang vận hành hỗn hợp bằng nhiên liệu HEU và LEU.Từ tháng 10/2007 đến tháng 7/2013, Việt Nam tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ và Nga về việc thay thế toàn bộ số nhiên liệu HEU đang sử dụng trong Lò PƯHNĐà Lạt và chuyển trả 106 bó nhiên liệu HEU đã qua sử dụng về lưu giữ vĩnh viễn tại Liên bang Nga. Ngày 30/11/2011, Lò phản ứng đã đạt tới hạn lần đầu với 72 bó nhiên liệu LEU.Đến ngày 14/12/2011 đã nạp xong vùng hoạt làm việc với cấu hình 92 bó nhiên liệu LEU,tiến hành các thí nghiệm chuẩn các thanh điều khiển, đo dự trữ độ phản ứng, đo phân bố thông lượng nơtron trong vùng hoạt, hệ số nhiệt độ của độ phản ứng, ... và khởi động năng lượng lò phản ứng. Trong các ngày từ 09-13/01/2012, Lò phản ứng vận hành thử nghiệm không tải 64 giờ ở mức công suất danh định 500 kW an toàn.Sau một năm vận hành thử nghiệm lò phản ứng, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã hoàn thành Báo cáo phân tích an toàn cho Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, sau khi chuyển sang sử dụng nhiên liệu LEU và chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép vận hành lò phản ứng trình Cục ATBXHN. Đến ngày 07/02/2013, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã nhận được Giấy phép số 06/GP-BKHCN cho phép vận hành chính thức Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có thời hạn 10 năm với cấu hình toàn bộ bằng nhiên liệu LEU. Năm 2023, Cục ATBXHN sẽ xem xét việc gia hạn giấy phép vận hành cho lò phản ứng sử dụng nhiên liệu LEU sau 10 năm.
Có thể nói 40 năm đã đi qua. Có những chàng trai cô gái ngày ấy mới được sinh ra, nay đã là các chuyên gia của lò Đà Lạt. Có những chàng trai cô gái mới chập chững bước vào nghề nay đã thành các cán bộ hưu trí. Những cán bộ tiền bối ngày ấy giờ nhiều người đã về với Tiên Tổ, hoặc đã thành các ông lão bà lão cả rồi. Thời gian cứ trôi đi không ngừng, thế hệ nọ kế tiếp thế hệ kia đã giữ cho ngọn lửa xanh của lò Đà Lạt được cháy mãi trên cao nguyên Lâm Viên. Chẳng những thế, các thế sau còn muốn có được những ngọn lửa xanh lớn hơn trên quê hương Việt Nam thân yêu để góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh. Con hơn cha là nhà có phúc. Thật là hạnh phúc biết nhường nào khi các bậc tiền bối, các bậc đàn anh đã từng làm việc tại lò Đà Lạt 40 năm về trước sẽ được tận mắt chứng kiến và tham dự lễ khánh thành các công trình hạt nhân lớn hơn của Đất nước như lò nghiên cứu mới và nhà máy điện hạt nhân trong tương lai gần. Xin được cảm tạ và tri ân những anh em đã tham gia công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt 40 năm về trước. Xin được cảm ơn các thế hệ kế tiếp của lò Đà Lạt đã miệt mài làm việc để duy trì ngọn lửa xanh trên cao nguyên Lâm Viên được cháy mãi cho đến ngày hôm nay.Chúc cho mọi người, mọi nhà được khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc và thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống. Hy vọng cuộc Hội ngộ sau 40 năm tại lò Đà Lạt sẽ có đông đủ các anh chị em đã từng làm việc tại nơi đây để cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm vui buồn trong những năm tháng đã cùng nhau thực hiện Công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.
Tác giả bài viết: Vương Hữu Tấn
Nguồn tin: Viện Nghiên cứu hạt nhân