Thứ tư, 03/04/2024 19:25 GMT+7

Hội thảo và Tọa đàm “Viện Nghiên cứu hạt nhân – Những thách thức và định hướng phát triển”

Trong chuỗi các sự kiện nhân Kỷ niệm 40 năm ngày Khánh thành Công trình Khôi phục và Mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (20/03/1984 - 20/03/2024), sáng ngày 22/3/2024 tại thành phố Đà Lạt đã diễn ra buổi Hội thảo và Tọa đàm với chủ đề “Viện Nghiên cứu hạt nhân – Những thách thức và định hướng phát triển”.

Đến tham dự buổi Hội thảo & Tọa đàm có đại diện đến từ Bộ KH&CN, gồm Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân và Lãnh đạo các Cục, Vụ, Văn phòng Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử (NLNT) Việt Nam và các đơn vị trực thuộc; đại diện Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, Viện Vật lý và Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các Trường Đại học (ĐH Đà Lạt, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG –Tp HCM, Đại học Sư phạm Tp HCM, Đại học Duy Tân,…) và các cán bộ, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) thuộc nhiều thế hệ. Đặc biệt sự có mặt của GS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện NCHN.

TS Cao Đông Vũ – Viện trưởng Viện NCHN phát biểu khai mạc buổi Hội thảo & Tọa đàm

Cách đây 40 năm, Lò phản ứng (LPƯ) hạt nhân Đà Lạt chính thức được hồi sinh và nâng công suất từ 250 kW lên 500 kW. Thành công này đã mở ra một giai đoạn mới cho Ngành NLNT Việt Nam nói chung và Viện NCHN nói riêng. Nhờ đó, Viện đã đạt được những thành tựu đáng kể trong nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tựu đó đã được tóm lược trong tài liệu hội thảo "Viện Nghiên cứu hạt nhân - 45 năm một chặng đường" và một số lĩnh vực điển hình được các nhà khoa học của Viện trình bày và trao đổi tại Hội thảo.

Toàn cảnh buổi Hội thảo & Tọa đàm

Chương trình Hội thảo & Tọa đàm gồm 2 phần. Phần Hội thảo tập trung vào các nội dung: Điểm lại các hướng nghiên cứu trên LPƯ hạt nhân Đà Lạt 40 năm trước và những thách thức hiện nay; Định hướng nghiên cứu Vật lý hạt nhân trên LPƯ Đà Lạt và tầm nhìn đối với LPƯ của Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân; Những giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác và kéo dài thời gian sử dụng LPƯ hạt nhân Đà Lạt; và đặc biệt là báo cáo về Vai trò, nhiệm vụ của Viện NCHN đối với Dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân do TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam, trình bày. TS Trần Chí Thành đã nhấn mạnh rằng vai trò và nhiệm vụ của Viện NCHN là hết sức quan trọng, sẽ tham gia thực hiện chính từ khâu thiết kế, nghiên cứu các công nghệ cho ứng dụng mới và đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực để sử dụng hiệu quả lò phản ứng nghiên cứu mới. Đó cũng là nhiệm vụ chung của Viện NLNT Việt Nam trong thời gian tới.

TS Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam trình bày báo cáo

Qua trao đổi cùng với các ý kiến đóng góp, thảo luận của các nhà khoa học tham dự hội thảo, GS Phạm Duy Hiển đánh giá cao những thành tựu các thế hệ cán bộ Viện NCHN đã đạt được trong hơn 4 thập niên qua và bày tỏ sự tin tưởng đối với thể hệ trẻ của Viện. GS cũng đã đề xuất một số hướng nghiên cứu trong tương lai của Viện và đề nghị Viện cần có chiến lược trong định hướng nghiên cứu, tìm giải pháp sao cho vừa phù hợp với thực tiễn ngành NLNT ở Việt Nam, vừa theo kịp với xu thế phát triển chung của thế giới, để các cán bộ của Viện nhanh chóng trưởng thành, đứng vị trí mặt tiền về một số lĩnh vực khoa học của thế giới.

GS TS Phạm Duy Hiển – Nguyên Viện trưởng Viện NCHN, nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam trình bày báo cáo

TS Phạm Ngọc Sơn trình bày báo cáo

Phần Tọa đàm với chủ đề “Viện NCHN với Cách mạng xanh và Trí tuệ nhân tạo – Cơ hội và thách thức” đã được dẫn đề với 5 nội dung: Cách mạng xanh và phát thải khí nhà kính; Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo – Cơ hội và thách thức; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế, chế tạo thiết bị điện tử hạt nhân; Ứng dụng AI trong mô phỏng, phân tích an toàn lò phản ứng hạt nhân; và Định hướng nghiên cứu về Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học hướng tới cách mạng xanh. Qua trình bày của các diễn giả và trao đổi của các nhà khoa học cho thấy, Viện NCHN đã và đang chủ động áp dụng AI và đưa cách mạng xanh vào các nghiên cứu và đã có một số kết quả bước đầu được đánh giá cao; tuy vậy, cần được định hướng cụ thể, tăng cường tiềm lực về cơ sở hạ tầng, thiết bị và nhân lực để Viện có đủ điều kiện tiếp cận với cách mạng xanh và ứng dụng hiệu quả AI vào các hướng nghiên cứu và dịch vụ của Viện.

Các diễn giả Viện NCHN trình bày tại buổi Tọa đàm

Sau gần 5 giờ làm việc với các bài trình bày chất lượng cao của các cán bộ khoa học Viện NCHN và các ý kiến trao đổi thẳng thắn của các chuyên gia, các nhà quản lý của Bộ KH&CN, các nhà khoa học trong và ngoài ngành NLNT, buổi Hội thảo & Tọa đàm đã thu nhận được nhiều kết quả hữu ích, khái quát nên một bức tranh tổng thể về những thành tựu đã đạt được, những điều chưa làm được cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra sau 40 năm vận hành và khai thác LPƯ hạt nhân Đà Lạt. Con đường phía trước còn thật nhiều khó khăn và thử thách nhưng là con đường tất yếu để Viện tiếp tục phát triển vững mạnh, luôn xứng đáng là con chim đầu đàn của ngành NLNT.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi Hội thảo & Tọa đàm

Mặc dù đạt được một số thành công, nhưng qua Hội thảo cũng cho thấy, Viện NCHN đang đối mặt với nhiều thách thức từ sự bùng nổ của khoa học và công nghệ, sự tác động của hai làn sóng cách mạng xanh và trí tuệ nhân tạo đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong khi cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu chính đang có dấu hiệu xuống cấp, hoạt động của Lò phản ứng phụ thuộc nhiều vào khả năng chủ động về nhiên liệu hạt nhân, số lượng cán bộ khoa học đầu đàn và chất lượng nguồn nhân lực đang có dấu hiệu suy giảm. Những thách thức này đang là mối quan ngại đến tầm nhìn phát triển dài hạn của Viện trong tương lai. Đó cũng được xem là bài học kinh nghiệm để Lãnh đạo và tập thể viên chức và người lao động của Viện cần quan tâm để từ đó đề xuất những định hướng, từng bước nghiên cứu đưa ra các giải pháp cho những thách thức của giai đoạn tới trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội của thời kỳ công nghiệp 4.0, thời kỳ của cách mạng xanh và trí tuệ nhân tạo.

Tác giả bài viết: Thúy Quỳnh

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu hạt nhân

Lượt xem: 2279

Bài viết liên quan

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 33

Lượt truy cập: 1401471