Thứ năm, 24/12/2020 14:36 GMT+7

Đánh giá Phóng xạ môi trường trong đất bề mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh

Phóng xạ tự nhiên có trong đất đá, trong nước, đại dương và trong vật liệu xây dựng nhà ở; không có một nơi nào trên trái đất mà không có phóng xạ. Các chất phóng xạ tự nhiên trong những điều kiện nhất định có thể đạt đến mức độ nguy hiểm. Vì vậy, việc nghiên cứu nồng độ phóng xạ tự nhiên trong đất là một yêu cầu cần thiết để đánh giá sự nguy hiểm của chúng đối với con người nhằm dự báo về các nguy cơ đối với sức khỏe và là cơ sở cho những thay đổi trong tương lai của phóng xạ môi trường do các hoạt động của con người gây ra.

Để góp phần giải quyết vào mục đích nêu trên, nghiên cứu và đánh giá phóng xạ môi trường trong đất bề mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được thực hiện bước đầu bởi Trung tâm Nghiên cứu Môi trường - Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nhằm thiết lập cơ sở dữ liệu về nồng độ hoạt độ phóng xạ tự nhiên và đánh giá khả năng có thể về các nguy cơ phóng xạ liên quan đối với con người sinh sống trong thành phố.

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp thành phố, 120 mẫu đất bề mặt của 24 quận, huyện đã được thu thập đồng đều tại các vị trí khác nhau của thành phố Hồ Chí Minh (Hình 1) để đánh giá mức hàm lượng của các hạt nhân phóng xạ nguyên thủy (226Ra, 232Th và 40K), các nguy cơ phóng xạ liên quan cũng đã được tính toán dựa trên hoạt độ phóng xạ, bao gồm: hoạt độ Radi tương đương (Raeq), suất liều hấp thụ gamma (Dout và Din), liều hiệu dụng hàng năm (AEDEout, AEDEin ), các chỉ số nguy hiểm chiếu ngoài và chiếu trong (Hex và Hin), các chỉ số Alpha và Gamma để đánh giá các ảnh hưởng có thể có đối với sức khỏe con người (Ia và Ig).

Hình 1. Bản đồ thành phố Hồ Chí Minh và các vị trí lấy mẫu

Hoạt độ 226Ra, 232Th và 40K trong đất bề mặt tại 120 vị trí biến thiên trong khoảng 9,6-48,5; 14,8-59,6; và 10-637 Bq/kg với giá trị trung bình lần lượt là 21,1; 36,6; 279,0 Bq/kg (Hình 2). Các giá trị thu được xấp xỉ với một số vùng lân cận trong khu vực như: khu vực phía Nam- Việt Nam, khu vực phía Nam-Thái Lan và Savannakhet - Lào và thấp hơn giá trị trung bình trên thế giới 30%. Sự đóng góp từ hoạt độ của 226Ra, 232Th và 40K vào hoạt độ Radi tương đương Raeq lần lượt là 22,2; 55,1 và 22,6 %. Giá trị cao nhất của Raeq thu được tại huyện Cần Giờ là 142 Bq/kg, giá trị này thấp hơn nhiều so với giới hạn an toàn.

Suất liều hấp thụ gamma Dout và Din biến thiên trong khoảng 22,6-67,8 và 43-130 nGy/h. Tương tự như Raeq, suất liều hấp thụ Dout và Din thu được tại huyện Cần Giờ lần lượt là 67,8 và 82,5 nGy/h.

Các giá trị về liều hiệu dụng hàng năm (AEDEout, AEDEin ), các chỉ số nguy hiểm chiếu ngoài, chiếu trong (Hex và Hin) và các chỉ số Alpha và Gamma (Ia và Ig) đã được tính toán thông qua hoạt độ của các đồng vị  226Ra, 232Th và 40K trong đất bề mặt tại thành phố Hồ Chí Minh đều thấp hơn nhiều so với giới hạn an toàn.

Từ các kết quả tính toán có thể thấy rằng các chỉ số nguy hiểm bức xạ từ đất tại Tp.  Hồ Chí Minh đều thấp hơn nhiều so với giới hạn an toàn theo quy định của Ủy ban khoa học của Liên hợp quốc về hiệu ứng của bức xạ nguyên tử (UNCEAR 2008) và ủy ban Châu Âu về bảo vệ bức xạ EC(RP-112). Điều này có nghĩa rằng không có bất kì sự ảnh hưởng nào của bức xạ đất bề mặt đến con người tại Tp. Hồ Chí Minh.

Hình 2.  Hoạt độ phóng xạ (Bq.kg-1) của các đồng vị 226Ra, 232Th và 40K trong đất tại Tp. Hồ Chí Minh.

 

Tác giả bài viết: Trần Đình Khoa

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu hạt nhân

Lượt xem: 1091

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 8

Lượt truy cập: 1077338