Thứ sáu, 21/04/2023 05:34 GMT+7

Các nhà lãnh đạo ngành hạt nhân kêu gọi nhóm G7 hành động

Hiệp hội Hạt nhân Thế giới và Hiệp hội Thương mại Hạt nhân Canada, Nhật Bản, Châu Âu, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố kêu gọi các chính phủ G7 hỗ trợ hoạt động lâu dài đối với các nhà máy điện hạt nhân hiện có và đẩy nhanh việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân mới.

Tuyên bố được ký bởi các nhà lãnh đạo Hiệp hội Thương mại, trước sự chứng kiến của các Bộ trưởng Canada, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp và Vương quốc Anh trong một diễn đàn công nghiệp lần đầu tiên thuộc loại này (Ảnh: Hiệp hội Hạt nhân Thế giới)

Tuyên bố được đưa ra tại Diễn đàn Năng lượng Hạt nhân tại Sapporo, Nhật Bản, bên cạnh cuộc họp của các bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường diễn ra trong hai ngày 15-16/4. Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Hiệp hội Hạt nhân Canada (CNA), Diễn đàn Công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản (JAIF), Cơ quan Hạt nhân châu Âu, Viện Năng lượng Hạt nhân Hoa Kỳ (NEI) và Hiệp hội Công nghiệp Hạt nhân Vương quốc Anh (NIA) đã ký tuyên bố này trước sự chứng kiến của các Bộ trưởng từ năm quốc gia trên.

Năng lượng hạt nhân tương lai sẽ là nền tảng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và bền vững. Tuyên bố nêu rõ: "Để hỗ trợ quá trình giảm thiểu lượng carbon, cộng đồng quốc tế cần kéo dài thời gian vận hành của các nhà máy điện hạt nhân hiện có, phát triển chính sách cho phép triển khai nguồn năng lượng hạt nhân mới và đẩy mạnh sự phát triển công nghệ lò phản ứng mới".

Năng lượng hạt nhân là duy nhất cung cấp nguồn điện sạch, giá phải chăng, ít carbon mà chỉ cần một diện tích không gian nhỏ giúp giảm thiểu thiệt hại đến môi trường sống và đa dạng sinh học. Nó tạo nên nhiều việc làm chất lượng cao và lâu dài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng trước những thách thức về địa chính trị, kinh tế và xã hội. Tuyên bố cho biết: "Chính vì những đặc điểm này, năng lượng hạt nhân sẽ là nguồn năng lượng sạch đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, cải thiện sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế trong tương lai".

Nhận thấy "những bước tiến tích cực được tiến hành tại hầu hết các quốc gia G7", hiệp hội ngành công nghiệp hạt nhân "khuyến khích các Bộ trưởng Khí hậu, Năng lượng và Môi trường G7 triển khai thêm các hành động có ý nghĩa để tối đa hóa lợi ích của năng lượng hạt nhân cho người dân trên thế giới" bằng cách:

  • Tối đa hóa việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân hiện có
  • Đẩy mạnh việc triển khai các nhà máy hạt nhân mới
  • Hỗ trợ hợp tác quốc tế và chuỗi cung ứng hạt nhân
  • Phát triển môi trường tài chính thúc đẩy đầu tư vào năng lượng hạt nhân
  • Hỗ trợ phát triển công nghệ hạt nhân mới
  • Nâng cao hiểu biết của công chúng về năng lượng hạt nhân
  • Hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất, bao gồm việc xử lý chất thải hạt nhân sau cùng
  • Hỗ trợ các quốc gia lần đầu tiên hoặc đang xem xét sử dụng năng lượng hạt nhân.

Tuyên bố được ký bởi Tổng Giám đốc Hiệp hội Hạt nhân Thế giới Sama Bilbao Y León, George Christidis - đại diện cho Chủ tịch và Giám đốc điều hành CNA John Gorman, Chủ tịch JAIF Arai Shiro, Chủ tịch và Giám đốc điều hành NEI Maria Korsnick, Giám đốc điều hành NIA Tom Greatrex và Tổng giám đốc hạt nhân châu Âu Yves Desbazeille, trước sự chứng kiến của các Bộ trưởng Năng lượng Canada, Pháp, Nhật Bản, Anh và Mỹ.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết cuộc họp này là “một bước ngoặt lịch sử” khi các bộ trưởng và ngành công nghiệp hạt nhân cùng làm việc với nhau. Ông nói: “Với tư cách là người chủ trì cuộc họp G7, tôi thật sự cảm thấy chúng ta đang thảo luận về cân bằng giữa quá trình giảm khí thải carbon và cung cấp năng lượng ổn định, và tập trung vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế”.

Chủ đề năng lượng hạt nhân trong diễn đàn công nghiệp lần đầu tiên thuộc loại này được tổ chức cùng với cuộc họp Bộ trưởng nhóm G7 cho thấy "sự chú trọng nghiêm túc vào lĩnh vực hạt nhân của nhóm G7 hoặc 5 nước trong nhóm G7 ". Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm nói: "Chúng ta thực sự đang đứng trước bình minh của thời đại năng lượng hạt nhân mới… Hạt nhân là nguồn năng lượng sạch, cần thiết, và cơ bản".

Bộ trưởng Tài nguyên Canada Jonathan Wilkinson cho biết " mối đe dọa hiện hữu" của biến đổi khí hậu là cấp bách và yêu cầu các quốc gia G7 thể hiện "vai trò lãnh đạo" đối với phần còn lại của thế giới trong bối cảnh an ninh năng lượng ngày càng trở nên quan trọng. Ông nói: “Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta đang phát triển một mạng lưới điện đáng tin cậy, giá phải chăng và không phát thải mà năng lượng hạt nhân là một chìa khóa quan trọng.

Bộ trưởng Chuyển giao Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher cho biết năng lượng hạt nhân chắc chắn là “một tài sản quan trọng giúp chúng ta độc lập về năng lượng và chống lại biến đổi khí hậu một cách hiệu quả". Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Năng lượng và Phát thải ròng bằng 0 của Vương quốc Anh Grant Shapps cho biết sẽ có "tiếng vang mới" đối với hạt nhân: "việc triển khai công nghệ hạt nhân được chứng minh là an toàn, đáng tin cậy chứng tỏ rằng chúng ta đang nghiêm túc với vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng và hành động chống biến đổi khí hậu."

Diễn đàn Năng lượng Hạt nhân kéo dài nửa ngày, bao gồm các cuộc thảo luận với các nhân vật cấp cao của ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu.

Biên dịch: Lê Văn Ngọc

Nguồn tin: World Nuclear News

Lượt xem: 1221

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 2

Lượt truy cập: 1047877