Thứ tư, 03/02/2021 01:32 GMT+7

Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt trong Covid-19: Những điều tưởng chừng không thể

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi sự gián đoạn của chuỗi cung cấp dược chất phóng xạ làm suy giảm số lượng các ca chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới thì các trung tâm y học hạt nhân Việt Nam lại là ốc đảo yên bình.

Góp phần làm nên điều đó là nỗ lực không tưởng của các cán bộ Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, những người bằng cách này hay cách khác đã góp phần nối dài mạch sống của hàng vạn cuộc đời.

 

Dây chuyền sản xuất dươc chất phóng xạ I-131 ở lò phản ứng Đà Lạt

Lâu nay hình ảnh Đà Lạt thường gắn với những trang trại rau, hoa rộng lớn xen lẫn với đồi thông xanh tươi bốn mùa và những khoảng không gian đậm chất châu Âu. Ít ai nhớ đến một “nhân vật đặc biệt” xuất hiện từ năm 1963 và đem lại cho thành phố du lịch này một vị thế đặc biệt không nơi nào có: lò phản ứng nghiên cứu duy nhất ở Việt Nam. Có lẽ, chính thói quen làm việc một cách thầm lặng, không phô trương của khoa học nói chung và bản tính thận trọng, kiệm lời của ngành hạt nhân nói riêng lại càng khiến không phải ai cũng biết rằng, khoảng 40% dược chất phóng xạ - những phương thuốc đặc biệt với những tính chất vật lý và sinh hóa có khả năng giúp chẩn đoán, chụp ảnh phát hiện và định vị những bất thường trong cơ thể con người cũng như điều trị một số bệnh lý ung thư – được dùng trong các cơ sở y học hạt nhân trên cả nước đều xuất phát từ lò phản ứng này.

Điều tưởng chừng như rất bình thường giữa một bên là Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam VINATOM), nơi vẫn lặng lẽ cung cấp nhiều loại đồng vị phóng xạ kể từ năm 1984, với các bên tiếp nhận là hàng chục cơ sở y học hạt nhân trên cả nước, lại trở nên khác thường trong năm 2020…

Vì lẽ đó, tất cả mọi người dự lễ tổng kết hoạt động của VINATOM vào chiều ngày 30/12/2020 vô cùng ngỡ ngàng khi Giáo sư Mai Trọng Khoa (Bệnh viện Bạch Mai), một chuyên gia hàng đầu về y học hạt nhân ở Việt Nam, đứng lên cám ơn Bộ KH&CN và VINATOM bởi “trong thời gian đại dịch vừa rồi, nếu không có đồng vị phóng xạ do Đà Lạt cung cấp thì có lẽ đơn cử hàng vạn bệnh nhân ung thư tuyến giáp ở khoa chúng tôi không có cơ hội được điều trị và nhiều bệnh nhân có thể sẽ chết. Tôi đặt giả định là vì một lý do nào đó mà lò Đà Lạt không hoạt động thì sẽ vô phương cứu chữa hàng vạn bệnh nhân đó”. Tự nhận là người “cả đời chỉ làm một việc là chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư và luôn thấy áp lực về công việc”, ông cảm thấy mình có trách nhiệm “thay mặt các bệnh nhân ung thư nói lên lời cảm ơn chân thành, dù chưa được ai ủy quyền”.

Khoảng 40% dược chất phóng xạ - những phương thuốc đặc biệt với những tính chất vật lý và sinh hóa có khả năng giúp chẩn đoán, chụp ảnh phát hiện và định vị những bất thường trong cơ thể con người cũng như điều trị một số bệnh lý ung thư - được dùng trong các cơ sở y học hạt nhân trên cả nước đều xuất phát từ lò phản ứng Đà Lạt.

 

Thách thức trong đại dịch

Hiện tại ở Việt Nam, tuy có nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng “một số bệnh ung thư chỉ có thể điều trị bằng đồng vị phóng xạ vì không có loại thuốc thứ hai thay thế”, giáo sư Mai Trọng Khoa giải thích. Lò phản ứng Đà Lạt đã góp phần vào việc bảo vệ mạng sống của rất nhiều trong số 97 triệu người Việt Nam mắc ung thư và 165.000 ca mới mỗi năm (theo số liệu của WHO năm 2018).

Cán bộ Viện nghiên cứu hạt nhân phân chia viên nang I-131

Đại dịch Covid đã làm xáo trộn mọi trật tự. Các chuyến bay thương mại không thể tới Việt Nam, cho dù nó là phương tiện gần như hoàn hảo để chuyên chở loại thuốc đặc biệt này. Các vật chất phóng xạ đều có thời gian bán rã khác nhau, dao động từ vài giờ đến một số ngày tùy từng loại dược chất phóng xạ, và sau khoảng thời gian đó, dược chất sẽ không còn tác dụng. “Nói chung, không thể vận chuyển dược chất phóng xạ bằng đường bộ hoặc đường thủy. Lý tưởng nhất là việc cung cấp diễn ra trong phạm vi một vùng, một quốc gia”, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM, cho biết như vậy cách đây vài năm.

Bối cảnh mới đã đẩy các cơ sở hạt nhân Việt Nam vào những tình huống mà trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi: ngoài số lượng các bệnh nhân ung thư hiện có, các cơ sở y học hạt nhân phải đón nhận thêm nhiều ca khác do họ không thể ra nước ngoài điều trị. Điều đó khiến lò phản ứng Đà Lạt và các máy gia tốc khác từ chỗ chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu trong nước nay phải cáng đáng cả phần thiếu hụt. Đây thực sự là thách thức lớn, TS. Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nhận định: “Nhu cầu dược chất phóng xạ hàng năm tại Việt Nam hiện vào khoảng 1.700 đến 1.800 Ci, trong đó sản xuất trên máy gia tốc khoảng 300 Ci (chủ yếu là 18F-FDG dùng trên PET/CT và một số khác như 201Tl-Chloride, 67Ga-Citrate dùng trên SPECT), phần còn lại được sản xuất trên lò phản ứng Đà Lạt (tỷ lệ đóng góp của nội địa thay đổi theo từng năm, liên tục tăng lên trong ba năm qua)”.

Đây không chỉ là tình huống riêng có của Việt Nam. Sự phá vỡ chuỗi cung cấp toàn cầu, từ khâu sản xuất đến vận chuyển, đã khiến các trung tâm y học hạt nhân quốc tế lâm vào thế gần như tuyệt vọng. “Global Impact of Covid-19 on Nuclear Medicine Departments: An International Survey in April 2020” (Tác động toàn cầu của Covid-19 lên các cơ quan dược chất hạt nhân: Một điều tra quốc tế trong tháng 4/2020) xuất bản trên The Journal of Nuclear Medicine đã phác họa bức tranh có nhiều gam màu tối trên 72 quốc gia: lượng sản xuất thuốc chẩn đoán suy giảm 54%, trong đó hình ảnh chụp PET/CT giảm trung bình 36% (riêng chụp phổi giảm 56%, xương 60%). Tại tất cả các trung tâm điều trị, trong vòng bốn tuần, lượng ca được điều trị giảm 45%, đặc biệt ở khu vực Mỹ Latinh và Đông Nam Á là trên 76%; 52% các trung tâm này thiếu 99mTc, đồng vị quan trọng và được sử dụng phổ biến nhất vì có những tính chất gần như lý tưởng cho xét nghiệm hình ảnh, và từ châu Phi, châu Á đến châu Mĩ Latinh đều thiếu thốn các vật liệu thiết yếu khác…

Giữa muôn trùng thách thức từ bên ngoài, lò phản ứng Đà Lạt còn phải gánh thêm một khó khăn nội tại: kể từ năm 2020, theo quy định của Bộ Y tế, Đà Lạt phải đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP - WHO) nếu muốn tiếp tục cung cấp phóng xạ cho các cơ sở y tế. “Mặc dù thuốc phóng xạ do Viện tuân thủ chặt chẽ yêu cầu kiểm soát chất lượng thuốc và chưa gây bất kỳ sự cố nào trong suốt hơn 36 năm qua nhưng do yêu cầu mới, các dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ của Viện cũng cần được nâng cấp và tuân thủ GMP”, TS. Phan Sơn Hải cho biết.

Viện nghiên cứu hạt nhân dường như đã rơi vào tình trạng mà mọi điều kiện đã ở thế tới hạn nhưng chỉ có một cách để vượt qua, đó là không được phép thua cuộc.

Vượt qua trạng thái tới hạn

Khi trải qua những khó khăn, đúc rút của những người trong cuộc bao giờ cũng hết sức thấm thía. “Người ta thường nói rằng, trong những tình huống khẩn cấp mới đánh giá được năng lực thực sự của một hệ thống tổ chức. Viện nghiên cứu hạt nhân đã phần nào chứng tỏ được năng lực giải quyết công việc trong điều kiện bị đẩy đến gần tới hạn”, TS. Phan Sơn Hải nói. Chính vào thời điểm đó, năng lực quản lý và năng lực khoa học tích lũy suốt hơn 36 năm qua là điểm tựa lớn nhất để họ vượt qua.

Chưa bao giờ Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt lại đạt thành tích tốt như năm 2020, cả nghiên cứu phát triển và sản xuất. Chúng ta hiểu rằng, khi mình tự sản xuất được dược chất phóng xạ thì những người không may mắn mắc bệnh ung thư trong nước sẽ được điều trị với giá thành thấp hơn giá dược chất nhập khẩu… Đó cũng là cách mà những người làm khoa học đóng góp cho xã hội.

TS. Trần Chí Thành

Một trong những công việc họ quyết định làm sớm là nâng cấp các dây chuyền sản xuất với “rất nhiều công việc phải được thực hiện, từ nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu, yêu cầu nhân sự, hồ sơ tài liệu, kiểm soát chất lượng, đánh giá nhà cung ứng nguyên vật liệu, tự đánh giá nội bộ, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, v.v...”, ông kể lại. Tình thế cấp bách khiến Viện phải đầu tư gần 14 tỷ đồng từ nguồn kinh phí thu qua hoạt động triển khai của mình để nâng cấp các dây chuyền sản xuất, đồng thời ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn để công việc diễn ra một cách thuận lợi. Dẫu sao, đây cũng là giải pháp đường xa bởi trước đây, Viện vẫn thường xin gia hạn giấy phép trong thời gian ngắn. Điều đó đôi khi đẩy Viện vào tình thế khó. “Theo nguyên tắc Luật Dược, nếu thuốc không được cấp phép thì không được dùng trên người. Chỉ cần chậm không được cấp giấy phép thì Đà Lạt không được phép cung cấp nữa. Tôi còn nhớ năm 2018 thì có khoảng 12.000 bệnh nhân phải dừng điều trị ở Bạch Mai. Không biết phải làm thế nào, tôi cùng đồng chí giám đốc bệnh viện lên gặp Bộ Y tế và đưa danh sách 12.000 bệnh nhân đó xin đề nghị Bộ trưởng giải quyết. Rất may chỉ trong tối hôm đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã họp cùng chúng tôi, hai hôm sau thì được gia hạn giấy phép”, giáo sư Mai Trọng Khoa kể lại một tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”.

Khó khăn được xử lý từng bước như vậy. Tuy nhiên, khi đạt chuẩn GMP thì thách thức chưa phải đã hết: lò phản ứng Đà Lạt – một thiết bị nghiên cứu mà theo nhận xét vui của Giáo sư Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng KH&CN VINATOM, “với cái lò phản ứng như Đà Lạt, nước ngoài họ đã ‘thải’ từ lâu rồi” – có công suất nhỏ, thông lượng neutron thấp. Do đó hàng năm, lượng dược chất phóng xạ do Đà Lạt sản xuất không nhiều và cũng không đa dạng. Đây chính là nút thắt của vấn đề bởi tình thế buộc Đà Lạt phải tăng số lượng dược chất. Giải pháp tăng giờ hoạt động như một cơ sở công nghiệp thực thụ vào năm 2019 với việc vận hành lò theo đợt khoảng 140 giờ trong hai tuần thì cũng chỉ đem lại 1.030 Ci. Vậy tăng bằng cách nào? “Để làm được điều đó, Viện đã áp dụng nhiều biện pháp, ví dụ lò hoạt động liên tục hàng tuần khoảng 90-100 giờ, toàn bộ công việc bảo dưỡng hệ thống công nghệ sau mỗi đợt sản xuất phải làm trong các ngày nghỉ. Lò đã vận hành khoảng 4.300 giờ trong năm 2020, gấp gần ba lần trung bình nhiều năm trước đây là 1.500 giờ (nếu tính giờ đi làm theo chế độ làm việc hiện hành, mỗi cán bộ viên chức chỉ làm việc gần 2.000 giờ/năm)”, TS. Phan Sơn Hải cho biết.

Không phải việc gia tăng thời gian vận hành, điểm mấu chốt dẫn đến đột phá của Đà Lạt là những sáng kiến cải tiến kỹ thuật chưa từng nghĩ tới trước đây như tăng hốc chiếu mẫu trong vùng hoạt lò để tăng khối lượng mẫu chiếu, cải tiến quy trình chiếu mẫu và quy trình sản xuất... “Trước đây nguyên liệu được đưa vào chiếu trong lò tại một hốc chiếu gọi là ‘bẫy neutron’. Để tăng sản lượng, chúng tôi đã xem xét, thiết kế thêm hai hốc chiếu trong vùng hoạt, tính toán lại động học neutron vật lý lò, đảm bảo các thông số để lò hoạt động an toàn. Mặt khác, trước đây mẫu được nạp vào ‘bẫy neutron’ và được chiếu xạ neutron khoảng 140 – 150 giờ liên tục, sau đó được lấy ra để sản xuất thuốc phóng xạ còn theo quy trình mới, các mẫu được đưa vào các hốc chiếu trung tâm có thông lượng neutron cao nhất, đồng thời được nạp vào các hốc chiếu vòng ngoài biên vùng hoạt. Với việc chiếu xạ luân phiên theo mốc thời gian nhất định ở hốc trung tâm và hốc ngoài biên, mỗi mẫu được chiếu xạ khoảng 180 giờ mà lò chỉ cần hoạt động khoảng bốn ngày liên tục thay vì hơn bảy ngày như trước đây”, TS. Phan Sơn Hải giải thích.

Những sáng kiến kỹ thuật đó đã tạo ra xung lượng để Viện đạt được điều tưởng chừng không tưởng: đáp ứng được 90% nhu cầu trong nước với 1.360 Ci, thậm chí trong thời gian giãn cách Covid ở quý 2 đã đạt 100%, cung cấp toàn bộ dược chất cho các bệnh viện trên toàn quốc. TS. Phan Sơn Hải nói “Chúng tôi không chỉ tăng sản lượng thuốc phóng xạ trong mỗi đợt sản xuất, mà còn giảm thời gian vận hành lò trong mỗi đợt từ 150 giờ xuống 85 – 90 giờ nhưng vẫn đảm bảo đủ số lượng thuốc cần thiết”. Quý giá hơn, việc cung cấp thuốc hàng tuần của Viện còn giúp làm giảm áp lực khám chữa bệnh của các cơ sở y tế bởi việc hai, ba tuần cung cấp thuốc một lần như trước đây khiến tập trung quá đông bệnh nhân vào cùng một thời điểm. Do đó, trong đại dịch thì các cơ sở y tế Việt Nam vẫn có thể chủ động về nguồn thuốc và dễ dàng xây dựng được kế hoạch khám và chữa bệnh.

Dẫu vậy, tác động lớn của nguồn cung đặc biệt này không chỉ ở việc đảm bảo cấp đủ nhu cầu. Quan trọng hơn, những nỗ lực ấy còn ẩn chứa ân tình của người làm nghề, đó là cung cấp thuốc với giá thành chưa đến một nửa giá thuốc nhập cho bệnh nhân ung thư, những người chắc hẳn cần một quá trình dài “chiến đấu” phía trước và dễ bị nghèo hóa vì các căn bệnh nan y này.

Góp phần giữ cho y học hạt nhân Việt Nam thành ốc đảo yên bình trong đại dịch, Đà Lạt cũng thực sự đổi khác. “Gần như một ngưỡng mới được thiết lập trong phong cách, quan niệm và kế hoạch công tác của cán bộ, tạo điều kiện để đạt kết quả tốt hơn trong tương lai. Tôi rất tự hào về cán bộ viên chức và người lao động của Viện”, TS. Phan Sơn Hải không dấu nổi hạnh phúc của người tham gia vào toàn bộ nỗ lực âm thầm đó. Không phải ngẫu nhiên mà ở thời điểm quyết định, các cán bộ Đà Lạt lại có được những sáng kiến cải tiến kịp thời bởi đó là kết quả của một quá trình dài tích lũy năng lực khoa học - điều đã được thực hiện một cách nghiêm túc từ nhiều năm nay. “Ban đầu, anh Thành ra chỉ tiêu là năm 2016 cố gắng phấn đấu 10 bài báo quốc tế ISI, sau mỗi năm anh lại nâng yêu cầu lên và đến năm 2020 Viện đã đạt 30 bài báo quốc tế, trong đó 19 bài ISI. Viện đã làm được nhiều việc ý nghĩa cũng là bởi lãnh đạo VINATOM đã tạo dựng được một môi trường thuần chất khoa học theo cách như vậy”.

Sau một năm đặc biệt như 2020, có lẽ với những người ở VINATOM nói chung và riêng là Đà Lạt, lời cảm ơn bất ngờ từ Giáo sư Mai Trọng Khoa là thực sự là tấm “kỷ niệm chương” quý giá.

 

Thanh Nhàn

Nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/

Lượt xem: 2129

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 15

Lượt truy cập: 1503384