Thứ ba, 25/10/2022 00:47 GMT+7

Tăng cường thu hút nữ giới tham gia vào lĩnh vực hạt nhân - Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho bình đẳng giới trong các tổ chức hạt nhân

Tăng số lượng nữ giới theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực hạt nhân và xây dựng chiến lược nguồn nhân lực để tạo ra sự phát triển tài năng toàn diện trong các tổ chức hạt nhân là những chủ đề chính được chú ý tại cuộc thảo luận tổ chức song song với Khóa họp lần thứ 66 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Các nữ đại biểu đã chia sẻ các thông lệ quốc tế về chiến lược nguồn nhân lực và bình đẳng giới trong lĩnh vực hạt nhân tại buổi thảo luận bên lề Đại hội Đồng IAEA

Bà Margaret Doane, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng phòng Quản lý của IAEA  đã phát biểu: "Sự đa dạng về giới tính có lợi cho sự đổi mới, đồng thời với những kinh nghiệm và thế giới quan khác nhau của họ giúp họ có khả năng hiểu và giải quyết vấn đề tốt hơn”. Xây dựng một lực lượng lao động đa dạng và có động lực đòi hỏi có sự lãnh đạo, cam kết, thời gian và nỗ lực. Điều này hoàn toàn đúng vì đội ngũ nhân viên là tài sản quan trọng nhất trong bất kỳ tổ chức hạt nhân nào. Bà Doane còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một lực lượng lao động bình đẳng, đa dạng và hòa nhập để phát triển trong lĩnh vực hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của lực lượng lao động hạt nhân ở các tổ chức mà họ đang tham gia và gắn bó.

Các chuyên viên của IAEA và các chuyên gia quốc tế từ các tổ chức phi lợi nhuận và các khu vực tư nhân cũng tham gia buổi thảo luận. Tại đây, họ đã trao đổi về cách thức thu hút được nhiều nữ giới tham gia vào lĩnh vực hạt nhân, bao gồm xây dựng chiến lược tiếp cận nhân tài, phát triển quan hệ đối tác toàn cầu cũng như thay đổi cách thuyết minh về lĩnh vực hạt nhân.

Ông Wendy Anyster, một nhà tâm lý học thuộc tổ chức Leadershipvine Ltd. cho biết: “Việc tăng cường bình đẳng giới trong các tổ chức hạt nhân của chúng ta mang lại sự đa dạng về các quan điểm, điều này rõ ràng sẽ cải thiện chất lượng của các giải pháp kỹ thuật và quyết định của chúng ta. Để đạt được thành công không chỉ đòi hỏi sự thay đổi nguồn nhân lực thực tại mà còn cả khả năng sáng tạo một nền văn hóa hòa nhập, nơi chúng ta được giải đáp những thắc mắc và đánh giá cao khi các ý kiến, quan điểm và ý tưởng đa dạng đó được nói lên”.

Ông Callum Thomas, Giám đốc điều hành tại Thomas Thor Associates - một công ty chuyên xây dựng và duy trì lực lượng lao động hạt nhân toàn cầu - đã chia sẻ các phương pháp tiếp cận và tuyển dụng đối với việc tăng cường đại diện nữ giới trong các tổ chức hạt nhân. Ông nói: “Để đạt được tiến bộ bình đẳng giới trong ngành công nghiệp hạt nhân, chúng ta cần tăng cường thời gian, công sức và kinh phí đầu tư, cũng như trách nhiệm của các lãnh đạo cấp cao”.

Bà Dominique Mouillot, Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ hạt nhân (WiN) toàn cầu cho biết phụ nữ chiếm chưa đến một phần tư số chuyên gia làm việc trong lĩnh vực hạt nhân trên toàn cầu, đặc biệt là ở các vị trí cấp cao. Chính khoảng cách giới sẽ gây bất lợi cho lĩnh vực này trong việc mở ra nhiều cơ hội hơn và mang lại nhiều nhân tài hơn.

Nhấn mạnh giá trị của WiN, bà Mouillot phát biểu: “Các mạng lưới, chẳng hạn như WiN, đóng một vai trò không thể thiếu trong việc nâng cao nhận thức về những đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực hạt nhân, mà còn giúp phụ nữ kết nối với nhau, bao gồm cả những người cố vấn trong sự nghiệp phát triển của họ”.

Bà Lena Andriolo, Chủ tịch Hội Thanh niên Hạt nhân Quốc tế (IYNC), đã nói về tầm quan trọng của việc gắn kết với thế hệ trẻ: “Thành công trong việc thúc đẩy thế giới đến kỷ nguyên mới của công nghệ hạt nhân chỉ có thể là sự kết hợp các tài năng với những quan điểm, sở thích, đam mê, kỹ năng và cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Chính sự đa dạng tạo nên sự khác biệt và bình đẳng giới là chìa khóa của thành công”. Bà cũng kêu gọi những người trẻ đang làm việc trong ngành công nghiệp hạt nhân và sinh viên tham gia cuộc khảo sát của IYNC nhằm đo lường điều gì là quan trọng nếu họ là lực lượng lao động hạt nhân trong tương lai.

Điều hành sự kiện, ông Pedro Dieguez Porras, Trưởng bộ phận Kỹ thuật của IAEA về Quản lý và Xây dựng Năng lực nhấn mạnh tầm quan trọng của “cam kết, thực tiễn và các chính sách công bằng, và một chiến lược nguồn nhân lực phù hợp” trong việc thu hút, phát triển và giữ chân tài năng nữ.

Bình đẳng giới tại IAEA

IAEA đang thực hiện các bước tích cực để giúp tạo ra những nơi làm việc cho phép cả phụ nữ và nam giới phát huy hết tiềm năng của họ. Ông Peter Frobel, Giám đốc Bộ phận Nhân sự của IAEA tiếp tục chia sẻ những ví dụ thực tế về các phương pháp hay nhất của IAEA: “Tại IAEA, chúng tôi cam kết bình đẳng giới nhằm hỗ trợ năng lực cho tất cả các cá nhân, không kể giới tính, được đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng từ các chương trình và hoạt động của chúng tôi”. Ông nói: “Để hỗ trợ các mục tiêu này, Cơ quan có chính sách bình đẳng giới và kế hoạch hành động về giới hai năm một lần”.

Cùng với các chính sách, IAEA đã thực hiện một loạt các biện pháp để khuyến khích nhiều phụ nữ nộp đơn vào các vị trí tuyển dụng kể từ năm 2020 bao gồm tổ chức các hội thảo trực tuyến nhằm thúc đẩy phụ nữ trong lĩnh vực khoa học hạt nhân, triệu tập các hội nghị dành cho phụ nữ trong ngành vật lý và tổ chức các cuộc thảo luận về hành trình của phụ nữ trong khoa học. Kết quả đã có hơn 40% nhân viên nữ ở các loại hình công việc có chuyên môn và chuyên môn cao, tăng từ 32% vào cuối năm 2019, khiến đại diện nữ giới ở các vị trí công việc tại IAEA đạt tỷ lệ cao nhất trong lịch sử.

Ông Frobel nói: “Chúng tôi còn một con đường để đi, ngoài ra chúng tôi hạnh phúc nói rằng với sự lãnh đạo của Tổng giám đốc và những hành động cụ thể đã được triển khai, chúng tôi đang trên đà đạt được bình đẳng giới bằng các cách thức này vào năm 2025”.

IAEA hỗ trợ các Quốc gia thành viên trong nỗ lực bình đẳng giới bằng các sự kiện và ấn phẩm kỹ thuật về quản lý nguồn nhân lực, văn hóa công sở và năng lực lãnh đạo cho các tổ chức hạt nhân. Cơ quan này cũng nỗ lực hướng tới việc lồng ghép giới vào chương trình hoạt động của mình.

IAEA cũng khuyến khích nhiều nữ giới trên khắp thế giới theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực hạt nhân. Vào năm 2020, IAEA đã khởi động Chương trình Học bổng Marie Sklodowska -Curie (MSCFP) để hỗ trợ thế hệ phụ nữ tiếp theo làm việc để đạt được bằng Thạc sĩ của họ về khoa học và công nghệ hạt nhân, an toàn và an ninh hạt nhân hoặc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Từ đó đến nay có 210 sinh viên từ 93 quốc gia đã được lựa chọn để tham gia vào chương trình, bao gồm cung cấp học bổng và những cơ hội thực tập.

Ông Mikhail Chudakov, Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Trưởng Ban Năng lượng hạt nhân, khuyến khích các tổ chức hạt nhân thúc đẩy các bước tiến tới tăng cường đại diện nữ giới trong lĩnh vực hạt nhân. Ông nói: “Với MSCFP, IAEA đã đi đầu trong việc hướng tới một lực lượng lao động hạt nhân toàn diện hơn, không chỉ hướng tới sự công bằng mà nó còn mang đến những ý tưởng mới, cách nhìn mới, cách giải quyết vấn đề mới. Điều này không chỉ đóng góp vào thành công của tổ chức mà còn đảm bảo rằng năng lượng hạt nhân đạt được tiềm năng đầy đủ trong việc giúp giải quyết một số thách thức lớn nhất trên thế giới của chúng ta”.

Biên dịch: Lê Thị Hiền

Nguồn tin: https://www.iaea.org/

Lượt xem: 1699

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 3

Lượt truy cập: 1062717