Thứ sáu, 24/06/2022 04:12 GMT+7

Lớp tập huấn về Hệ bảo vệ thực thể cho Lực lượng ứng phó an ninh nguồn và vật liệu phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân

Nhân đợt làm việc của các chuyên gia Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia (SNL) Hoa Kỳ, gồm các ông Jeffrey Fresier Jarry và J. Dixon Patrick, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) vào các ngày 21 và 22 tháng 6 năm 2022 để kiểm tra định kỳ thiết bị của Hệ bảo vệ thực thể (Physical Protection System- PPS); Viện NCHN đã phối hợp với Phòng thí nghiệm SNL tổ chức Lớp tập huấn về  Hệ PPS cho lực lượng ứng phó nhằm đảm bảo an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu phóng xạ và nhiên vật liệu hạt nhân do Viện quản lý.

Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Viện trưởng Viện NCHN phát biểu khai mạc Lớp tập huấn

Tham dự Lớp tập huấn có ông Nguyễn Kiên Cường - Phó Viện trưởng Viện NCHN; đại diện Lãnh đạo Phòng KH&HTQT; các cán bộ có liên quan đến lĩnh vực đảm bảo an ninh nhiên vật liệu hạt nhân và nguồn phóng xạ của Viện NCHN; và các cán bộ chiến sĩ thuộc Đại đội cảnh sát bảo vệ mục tiêu của Công an tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn, Ông Nguyễn Kiên Cường nhấn mạnh, hệ bảo vệ thực thể là một trong những hệ thống thiết bị có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh hạt nhân của Viện. Để hệ PPS tại Viện hoạt động tin cậy, định kỳ hệ được kiểm tra, đánh giá với sự phối hợp của các chuyên gia của Hoa Kỳ, các cán bộ kỹ thuật của Công ty lắp đặt và bảo trì thiết bị và các cán bộ có liên quan của Viện NCHN. Phó Viện trưởng cũng bày tỏ mong muốn thông qua Lớp tập huấn này, các học viên sẽ được cùng trao đổi trực tiếp về chuyên môn, nghiệp vụ, về thực tế hoạt động và vận hành hệ thống cùng với các chuyên gia Hoa Kỳ để hiểu rõ, nắm vững hơn về nguyên lý hoạt động, vận hành của hệ thống thiết bị, từ đó làm chủ được hệ thống PPS để vận hành đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả cho Lò phản ứng.

Hệ bảo vệ thực thể của một cơ sở hạt nhân có 3 chức năng chính là Phát hiện, Ngăn ngừa (trì hoãn) và Khống chế (ứng phó) sự xâm nhập trái phép nhằm phá hoại cơ sở, đánh cắp vật liệu hạt nhân hoặc vật liệu phóng xạ với các mục đích khác nhau. Hệ PPS của Viện NCHN, một cơ sở hạt nhân đang quản lý và vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu duy nhất của Việt Nam hiện nay cũng được thiết kế với đầy đủ các chức năng nêu trên. Hệ gồm 2 Cấu phần được tích hợp điều khiển qua một Trạm cảnh báo trung tâm (Centre Alarm Station- CAS) đặt sát lối vào của cơ sở.

Cấu phần thứ nhất có chức năng bảo vệ lò phản ứng và nhiên vật liệu hạt nhân, được lắp đặt và đưa vào vận hành từ năm 2007. Cấu phần thứ hai để bảo vệ các nguồn phóng xạ và vật liệu phóng xạ, được đưa vào vận hành vào năm 2011. Để từng bước hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác an ninh, hệ PPS đã được nâng cấp vào các năm 2008 và 2010 (cho Cấu phần thứ nhất), năm 2014 và 2019 (cho cả 2 Cấu phần). Trong năm 2021, một số thiết bị quá thời hạn vận hành lại tiếp tục được thay thế bổ sung bằng một số thiết bị mới.

Các Báo cáo viên đến từ Phòng thí nghiệm SNL, Hoa Kỳ trình bày báo cáo

Tại Lớp tập huấn, các báo cáo viên đã trình bày bốn chuyên đề chính, đó là: (1) Các yêu cầu về an ninh bằng cách tiếp cận theo quy tắc và hiệu quả; (2) Tổng quan về các hệ thống an ninh vật liệu phóng xạ; (3) Các ý tưởng về thiết kế hệ thống bảo vệ thực thể; và (4) Tổng quan quy trình kiểm tra hệ thống PPS. Bên cạnh các nội dung chính, Lớp tập huấn cũng dành thời gian để các học viên và báo cáo viên trao đổi kinh nghiệm, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành hệ PPS tại Viện NCHN. Ngoài ra, các bài học kinh nghiệm về sự cố nguồn phóng xạ tại Goiania, Brazil vào năm 1987 cũng được các báo cáo viên trình bày; và việc bố trí giả định các thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ tại các cơ sở Y tế để đưa ra các tình huống khắc phục và ứng phó cũng được các báo cáo viên cung cấp cho Lớp tập huấn.

Kết quả và sự thành công của Lớp tập huấn này sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức và phát triển năng lực ứng phó cho các cán bộ viên chức, đội ngũ làm công tác bảo đảm an toàn, an ninh của Viện NCHN trong thời gian sắp tới.

Học viên chụp ảnh lưu niệm cùng các Báo cáo viên và Ban tổ chức lớp học

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thuý Quỳnh

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu hạt nhân

 

Lượt xem: 2543

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 2

Lượt truy cập: 1067257