Thứ hai, 03/10/2022 15:22 GMT+7

Kỷ niệm về người Viện trưởng gần gũi, giản dị

Năm 2022, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh cố Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ (01/10/1932-01/10/2022), cố Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Viện trưởng đầu tiên của Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia (nay là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), tôi xin kể lại một vài kỷ niệm về những ngày được làm việc, phục vụ Giáo sư. Dù thời gian được làm việc, phục vụ Giáo sư không lâu (khoảng 6-7 tháng), nhưng ông đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về tác phong làm việc, sự chăm lo của một người lãnh đạo với nhân viên và những người giúp việc như chúng tôi.

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Đảng CSVN

Tôi công tác tại Đoàn xe 18, sau đổi thành Xí nghiệp ô tô số 6, nay là Công ty vận tải ô tô số 2 thuộc Cục Vận tải đường bộ. Từ năm 1968 đến khoảng những năm 1984-1985, tôi chuyển về làm việc tại Phòng Vật tư thuộc Văn phòng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia với nhiệm vụ lái xe chở vật tư và trang thiết bị để xây dựng các cơ sở của Viện ở phía Bắc và các thiết bị chở vào lò Đà Lạt giai đoạn 2. Khi ấy, tôi được anh Đoàn Thế Phiệt, Chánh Văn phòng đầu tiên của Viện, bảo: “Chú lên phòng anh để nhận nhiệm vụ mới”. Khi tôi lên thì được giao nhiệm vụ sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp để nhận xe VONGA đen số 0721-BIA về Viện và lái xe cho Viện trưởng. Khi được giao nhiệm vụ này, tôi rất lo, vì tôi chưa bao giờ lái xe cho lãnh đạo cấp cao. Khi sang nhận xe bên Bộ, tôi hỏi anh Trắng-lái xe cũ của Viện trưởng-lúc anh bàn giao xe: “Lái xe cho Viện trưởng thì cần phải tránh điều gì và lưu ý những gì?”. Anh Trắng có nói với tôi mấy điểm cần lưu ý:

  1. Khi lái xe không được hút thuốc lá vì Viện trưởng bị viêm xoang.
  2. Khi xe chạy không được hạ cửa kính vì bụi bay vào xe, mặc dù xe Vonga không có điều hòa nhiệt độ.
  3. Xe chạy không được quá tốc độ 60km/h, kể cả đi đường dài.

Công việc hằng ngày của tôi là đưa đón Giáo sư đến Viện hoặc đi họp Ban Bí thư, họp Quốc hội, xe ô tô để ở gara tại nhà Giáo sư ở khu Trung Tự. Hằng ngày, tôi đi xe đạp đến nhà ông từ 6 giờ 30 phút vì 7 giờ là ông ra xe và đi làm việc rất đúng giờ. Giáo sư Nguyễn Đình Tứ rất chú ý giữ xe sạch sẽ. Ông đưa tôi 1 vỏ chăn và dặn khi đưa xe vào gara thì phủ vỏ chăn lên vì nhà ông có nuôi mèo, mèo thường trèo lên nóc xe ngủ và sẽ cào làm xước sơn xe.

Những ngày phục vụ, đưa đón Giáo sư Nguyễn Đình Tứ tại Hà Nội, có hôm tôi đến đưa ông đi làm, được nghe ông dặn chị Toản (người giúp việc của gia đình) là nấu thêm suất ăn cho tôi, vì chiều ông phải đi họp sớm. Thường bữa trưa ở nhà chỉ có cụ thân sinh của Giáo sư là cụ Nguyễn Mỹ Tài. Chị Nguyễn Thu Nhạn, vợ Giáo sư cùng hai con trai là Nguyễn Mạc Hà, Nguyễn Việt Hùng đều đi làm, không ăn trưa ở nhà. Tới bữa, khi ăn thì thức ăn đều ăn chung, nhưng mỗi người có một bát nước chấm riêng. Cụ thân sinh của Giáo sư ăn xong là vào buồng riêng, do cụ nghiện thuốc lào nên cụ thường hút ở trong buồng. Khi ăn xong, Giáo sư bảo tôi: “Anh Đoàn nằm nghỉ ở đây, khi nào tôi xuống thì đi”. Nhà Giáo sư có 1 bộ sa lông bằng gỗ xẻ từng nan, khi kéo ra thành cái giường nhỏ, đẩy vào thành ghế ngồi. Tôi rất xúc động khi Giáo sư đi lên gác, tự tay cầm xuống cho tôi một cái gối và một vỏ chăn để nghỉ trưa.

Gia đình ông khá đặc biệt, đó là cứ 30 năm lại sinh ra một thế hệ. Cụ thân sinh của Giáo sư sinh năm 1902, tuổi Nhâm Dần, Giáo sư sinh năm 1932, tuổi Nhâm Thân, con trai lớn của ông sinh năm 1962, tuổi Nhâm Dần, cháu nội của Giáo sư sinh năm 1992, tuổi Nhâm Thân.

Giáo sư có 2 người con trai, người con cả là Nguyễn Mạc Hà, người con thứ là Nguyễn Việt Hùng. Ông có nói cho tôi biết ý nghĩa của việc đặt tên con, vì người con cả sinh ra ở Mạc Tư Khoa (Liên Xô cũ) nên đặt là Nguyễn Mạc Hà, anh thứ hai sinh tại Việt Nam nên đặt là Nguyễn Việt Hùng. Khi đi đường, Giáo sư cũng hay hỏi thăm đến mọi người và nói chuyện rất chan hòa, vì thế mà tôi cũng bớt phần e ngại và không còn lo lắng nữa.

Giáo sư có nói với tôi là ông đã hai lần bị tai nạn. Lần thứ nhất khi ở bên Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trong một lần đi công tác về, anh Chính lái xe lên đón, khi trên đường về đã đâm vào một xe ben chở cát. Khi đó ông nói là không nhìn thấy gì, bị tức ngực vì đập vào ghế trước và chỉ thấy cát bay mù mịt trước mặt, sau đó về thì đổi lái xe khác là anh Trắng. Lần thứ hai, khi Giáo sư sang Ấn Độ, trên đường về, khi đi từ sân bay về Hà Nội thì bị một xe tải chạy phía trước văng một hòn gạch vào kính chắn gió của xe. Chính vì lý do ấy nên ông đã yêu cầu lái xe không được chạy quá 60km/h.

Trong thời gian lái xe phục vụ Giáo sư, có 2 kỷ niệm làm tôi nhớ mãi.

Một lần, khi Giáo sư lên đường đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Brazil, tôi được ông nhờ mang vali lên Vụ Đa biên của Bộ Ngoại giao để gửi. Khi cân, vali nặng 14kg, đến ngày ông về nước, tôi tới đón ông và tới Vụ Đa biên để nhận lại vali thì cân được 15,5kg. Khi mang va li về nhà cho Giáo sư, ông mở ra và đưa cho tôi 1 lọ cà phê nhỏ và 2 tút thuốc lá 3 số 5. Ông bảo: “Tôi tặng anh lọ cà phê, còn 2 tút thuốc lá anh mang về cho anh Phiệt Chánh Văn phòng”, rồi ông dặn tôi: Bảo anh Phiệt bán thuốc lá đi và chia tiền cho mọi người ở Văn phòng.

Lần khác, tôi đưa Giáo sư vào Thanh Hóa họp vì ông ứng cử đại biểu Quốc hội ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Trước khi đi, chị Nhạn (vợ Giáo sư) đưa cho tôi chai nước táo, bảo tôi mang đi để hai anh em uống. Khi tôi lái xe đến Ninh Bình thì Giáo sư bảo dừng xe nghỉ để uống nước. Tôi rót nước ra cốc đưa ông uống thì ông bảo: “Anh Đoàn uống trước đi, anh là người làm việc, còn tôi chỉ là người đi nhờ thôi”. Nghe ông nói vậy, tôi rất xúc động. Tôi bảo: “Em mời anh uống trước, rồi em uống sau vì em được giao nhiệm vụ phục vụ anh trong chuyến công tác này”. Khi đó ông mới uống.

Khi vào tới Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Hà Văn Ban, Bí thư Tỉnh ủy là ông Hà Trọng Hòa ra đón Giáo sư vào trụ sở tỉnh làm việc. Tối hôm đó, khi ăn cơm, Giáo sư ngồi mâm trên với lãnh đạo tỉnh, còn chúng tôi gồm bốn lái xe ngồi mâm dưới chỉ cách nhau một tấm rèm vải. Mâm chúng tôi có 4 người, được chia 2 chai bia Hà Nội, còn thức ăn thì đầy đủ và chúng tôi hiểu là tiêu chuẩn 2 người được 1 chai bia. Một lát sau thì Giáo sư vén rèm, đi xuống chỗ tôi, đưa cho tôi 2 chai bia Hà Nội và nói đây là tiêu chuẩn của ông nhưng ông không uống. Ông bảo tôi là chia đều cho các anh em cùng uống.

Trên đường từ Thanh Hóa về Hà Nội, Giáo sư ngồi ghế sau, dùng quạt giấy để quạt. Tôi thấy ái ngại vì nóng bức mà xe vẫn phải đóng hết cửa kính, nhưng ông không nói gì, chỉ lấy quạt giấy ra quạt. Sau đó tôi đã đề nghị Văn phòng Viện mua 2 chiếc quạt con cóc (thời đó có giá khoảng 35.000đ/chiếc) để lắp trên xe cho Giáo sư đỡ nóng.

Một thời gian sau, vì phải chở thiết bị vào lò Đà Lạt nên tôi đề nghị Văn phòng xin thêm lái xe về để thay tôi. Sau đó, Văn phòng Viện có xin một anh ở Tổng cục Thống kê về nhận lái cho Giáo sư thay tôi. Khi anh Đô là lái xe mới về thay thì Giáo sư bảo tôi: “Anh Đoàn cứ đi với tôi đã, rồi sẽ giao xe sau”.

Khoảng 10 ngày sau thì Giáo sư nói hằng ngày tôi để anh Đô lái đón ông còn tôi đi cùng, ngồi đằng trước để kiểm tra và hướng dẫn khi lùi xe vào ga ra ở nhà ông. Tôi đi theo khoảng 1 tuần, tới hôm cuối thì ông bảo: “Anh Đoàn có thể giao xe cho anh Đô được rồi”. Một thời gian sau thì Giáo sư giữ chức Trưởng ban Khoa giáo Trung ương và sau đó ông về yên nghỉ nơi vĩnh hằng.

Trước khi ôn lại những kỷ niệm với vị Giáo sư, Viện trưởng đáng kính, tôi đã đứng trước tượng của ông, xin ông cho tôi được nói lên những kỷ niệm và những suy nghĩ của bản thân mình về người Viện trưởng đầu tiên của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Mong ông được an giấc ngàn thu và luôn phù hộ cho sự phát triển của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Nguồn tinhttps://vinatom.gov.vn/

 

 

 

 

Lượt xem: 4043

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 7

Lượt truy cập: 1048194