Thứ ba, 11/10/2022 00:57 GMT+7

Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ VII

Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân (KH&CNHN) cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử (NLNT) được tổ chức hai năm 1 lần, là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành NLNT Việt Nam. Hội nghị là nơi trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm cũng như sự hợp tác nghiên cứu giữa các cán bộ trẻ thuộc các đơn vị trong và ngoài Viện NLNTVN nhằm xác định phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ nghiên cứu cần thiết, góp phần xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ trong ngành năng lượng hạt nhân ngày càng vững mạnh.

Kể từ năm 2010, Viện NLNTVN đã 6 lần tổ chức thành công Hội nghị KH&CNHN cán bộ trẻ ngành NLNT. Theo QĐ số 265/QĐ – VNLNT, ngày 06/6/2022, Hội nghị KH&CNHN cán bộ trẻ ngành NLNT lần thứ VII do Viện NLNTVN kết hợp với Đoàn Thanh niên Viện NLNTVN tổ chức từ ngày 06 – 07/10/2022, tại Hội trường Trung tâm Đào tạo hạt nhân (140 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). Tham gia Hội nghị KH&CNHN cán bộ trẻ ngành NLNT lần thứ VII có sự góp mặt của 62 báo cáo viên, hầu hết đang làm luận văn thạc sĩ tới nghiên cứu sinh đến từ 9 đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN là Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm Hạt nhân Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Trung tâm Đào tạo hạt nhân. Ngoài ra, Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của nhiều báo cáo viên trẻ đến từ các đơn vị ngoài Viện như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường  Đại học  Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. HCM, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của Hội đồng khoa học, Hội nghị đã chọn được 62 báo cáo, trong đó có 40 báo cáo được trình bày (Oral presentation) tại Phiên toàn thể và 2 Tiểu ban chuyên môn và 22 báo cáo dán bảng (Posters).

Vào ngày 6/10, tại Phiên toàn thể của Hội nghị, ngoài 02 báo cáo xuất sắc được lựa chọn từ 2 Tiểu ban chuyên môn, sẽ có thêm 3 bài trình bày của các diễn giả khách mời là các nhà khoa học trẻ và chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, các tổ chức uy tín trong Bộ KH&CN.

Tại Phiên toàn thể, ThS. Đỗ Thị Khánh Linh, Nghiên cứu viên Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân sẽ trình bày về các kết quả phép đo tiết diện vi phân ở các góc 70o, 90o, 120o, và 150o của hạt sản phẩm (α0) từ phản ứng 11B(p, α0)8Be do chùm proton năng lượng 2.5 MeV bắn phá trên bia boron tự nhiên. Từ kết quả thực nghiệm, thu được sự tương đồng tốt giữa kết quả đo thực tế và các số liệu đã được công bố trước đó. Thí nghiệm mở ra việc sử dụng máy gia tốc HUS Pelletron trong nghiên cứu phản ứng hạt nhân.

Đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, ThS. Chu Nhựt Khánh trình bày báo cáo sử dụng bức xạ chùm tia điện tử (EB) như một biện pháp xử lý kiểm dịch khi xuất khẩu trái cây tươi đang là xu hướng phát triển trên thế giới. Trong nghiên cứu này, việc thực hiện biện pháp tiền xử lý hóa chất kết hợp với chiếu xạ EB để hạn chế mức độ hóa nâu của quả nhãn Edor đã được nghiên cứu. Nhãn được đem xử lý bằng SO2 hoặc dung dịch HCl 1,5N/20 phút trước khi chiếu xạ EB ở liều kiểm dịch tối thiểu 400 Gy và sau đó được bảo quản ở điều kiện thương mại giả định (nhiệt độ 25-26oC, ẩm độ 75 – 80%). Kết quả cho thấy, tiền xử lý bằng hóa chất đã hạn chế sự suy giảm hàm lượng phenolic cũng như làm giảm chỉ số hóa nâu (BI) ở các mẫu thí nghiệm so với ĐC (quả không xử lý hóa chất, không chiếu xạ). Ngoài ra, mức độ hao hụt khối lượng, TSS, hàm lượng acid tổng, vitamin C,… ở các mẫu có xử lý hóa chất cũng thay đổi không đáng kể so với ĐC. Đặc biệt, xử lý hóa chất còn hạn chế được mức độ hư hỏng do thối rữa nên kéo dài thời gian bảo quản (thời gian bảo quản lên đến 22 ngày thay vì chỉ có 12 ngày ở mẫu đối chứng). Vì vậy, phương pháp kết hợp xử lý SO2 với chiếu xạ EB 400 Gy có thể sử dụng để xử lý kiểm dịch nhãn Edor xuất khẩu; và xử lý bằng HCl 1,5N nên được xem xét để thay thế phương pháp xông SO2 truyền thống.

Đến từ Viện Công nghệ xạ hiếm, ThS. Lương Mạnh Hùng trình bày Báo cáo: Giới thiệu về đất hiếm và ứng dụng đất hiếm trong nông nghiệp. Theo đó, báo cáo cho hay: Đất hiếm đã trở thành loại nguyên liệu tối cần thiết cho các ngành công nghệ mũi nhọn tại các quốc gia phát triển. Đất hiếm có mặt trong hầu hết các sản phẩm công nghệ cao … Nguồn tài nguyên này còn được ví như: “Vũ khí của thế kỷ”, của cách mạng công nghệ cao. Bên cạnh việc ứng dụng đất hiếm trong công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, đất hiếm còn được dùng rất rộng rãi trong nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao do làm tăng năng suất và tăng chất lượng nông sản. Tại Việt Nam, ước tính trữ lượng tài nguyên đất hiếm Việt Nam có thể từ 17 đến 22 triệu tấn. Theo Cục Địa chất khoáng sản Việt Nam, tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam được xác định đứng trong top 5 thế giới. Vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng đất hiếm trong nông nghiệp nói chung, trong trồng trọt và chăn nuôi nói riêng là việc rất có ý nghĩa. Các nghiên cứu này đã được các nhà khoa học thế giới và Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp như: ứng dụng đất hiếm trong trồng trọt, ứng dụng đất hiếm trong chăn nuôi và ứng dụng đất hiếm trong nuôi trồng thủy sản. Đất hiếm ứng dụng trong trồng trọt làm tăng năng suất và chất lượng của nông sản, ứng dụng trong chăn nuôi giúp vật nuôi kích thích tăng trưởng và tăng tỉ lệ kháng bệnh của vật nuôi, ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản tăng trọng vật nuôi, giảm chi phí thức ăn (10%), vật nuôi sống khỏe hơn, giảm bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong, tăng năng suất và chất lượng thực phẩm, … và điều quan trọng nhất là vẫn đảm bảo an toàn đối với động vật và người sử dụng sản phẩm động vật.

Cũng tại Phiên toàn thể, diễn giả khách mời, TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ trình bày về góc nhìn “Chiến lược Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, vấn đề đặt ra trong quản lý nhiệm vụ KH&CN”. Đây là những chia sẻ của tác giả về các cách tiếp cận khác nhau để làm rõ nội hàm khái niệm đổi mới sáng tạo; đưa ra các kết quả đạt được trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2022, cũng như quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; từ đó, gợi mở, luận bàn về cách nghĩ, các tư duy trong quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời gian tới.

Đến từ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, ThS. Hà Lan Anh mang đến báo cáo “Ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền trong xác thực chất lượng và phân biệt nguồn gốc địa lý của sản phẩm nông sản” nhằm giới thiệu tổng quan vấn đề ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền trong lĩnh vực xác thực chất lượng và phân biệt nguồn gốc địa lý của sản phẩm nông sản. Trong báo cáo ứng dụng cụ thể trong lĩnh vực xác thực chất lượng sản phẩm là căn cứ dấu hiệu khác biệt của thành phần d13C trong đường tách từ nước ép táo tươi cũng như một số các sản phẩm nước táo nguyên chất có giá trị trong khoảng từ -27,00‰ đến -24,00‰, và đường là sản phẩm của cây mía quang hợp theo chu trình C4 giá trị d13C trong khoảng -13,00‰ đến -11,00‰ để xác định sự pha trộn đường C4 vào một số sản phẩm nước ép táo trên thị trường Việt Nam. Về vấn đề phân biệt nguồn gốc địa lý, một nghiên cứu cụ thể về phân biệt dâu tây tại hai vùng trồng khác nhau là Đà Lạt và Mộc Châu sử dụng thành phần đồng vị bền δ2H và δ18O được trình bày. Cụ thể, giá trị δ2H trung bình trong nước chiết từ dâu tây trồng ở Mộc Châu (-42,83‰) giầu hơn so với giá trị thu được trong mẫu tại Đà Lạt (-53,99‰). Ngược lại, giá trị δ18O trung bình trong nước dâu tây trồng ở Mộc Châu (-9,25‰) lại nghèo hơn so với giá trị ghi nhận được với mẫu ở Đà Lạt (-5,67‰). Kết quả đánh giá cho thấy, ở mức ý nghĩa thống kê α=0,05, có sự khác biệt rõ ràng giữa thành phần đồng vị bền δ2H và δ18O trong các mẫu tại Mộc Châu và Đà Lạt với các giá trị p < 0,001. Ngoài ra, các giá trị δ2H và δ18O mẫu tại mỗi vùng có mối tương quan chặt chẽ và có thể phân biệt được dựa vào vị trí của đường tương quan so với đường nước khí tượng toàn cầu.

Hội nghị KH&CNHN cán bộ trẻ ngành NLNT lần thứ VII là một sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình.

 

Nguồn tin: https://vinatom.gov.vn/

 

 

Lượt xem: 3615

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 5

Lượt truy cập: 1047743