Thứ ba, 11/12/2018 14:54 GMT+7

Các kết quả chính trong nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ và đào tạo

Một số kết quả chính trong vận hành, nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ và đào tạo của Viện NCHN qua 35 năm vận hành và khai thác Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt gồm:

1. Tính đến cuối năm 2018, Lò phản ứng đã có khoảng 46.100 giờ hoạt động an toàn và khai thác có hiệu quả. Chỉ tiêu này cũng là một thành tích chứng tỏ Viện NCHN đã tập hợp được đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ đa ngành, được rèn luyện theo tác phong làm việc công nghiệp, làm chủ trong vận hành, bảo dưỡng, đảm bảo kỹ thuật và khai thác thiết bị hạt nhân quan trọng là Lò phản ứng hạt nhân duy nhất của nước ta hiện nay; là niềm tin để tham gia thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới công suất 10 MWt.

 

 

Hệ điều khiển kỹ thuật số của Lò phản ứng

 

Thống kê thời gian hoạt động hàng năm của Lò phản ứng, 1984-2018

 

2. Nghiên cứu và điều chế thành công trên 30 chủng loại đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu phục vụ cho Y tế và một số ngành kinh tế kỹ thuật khác. Chỉ riêng cho ngành Y tế, đến cuối năm 2018, Viện NCHN đã cung cấp khoảng 7.700 Ci đồng vị phóng xạ các loại: 131I, 32P, 99mTc, 51Cr, 153Sm, 65Zn, … và các kit in-vivo và in-vitro. 7 loại sản phẩm của Viện đã được đưa vào danh mục thuốc của Việt Nam từ tháng 2/2010 và đang làm thủ tục cấp phép cho một số sản phẩm khác.

ĐVPX cung cấp cho ngành y tế, 1984-2018

Viện cũng đã tư vấn, thiết kế cho các cơ sở y tế trong nước đầu tư xây dựng các khoa Y học hạt nhân và xạ trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh của các khoa Y học hạt nhân nói riêng và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các ngành kinh tế - kỹ thuật nói chung.

Nhận sách vàng sáng tạo Việt Nam 2018 

3. Xây dựng được tổ hợp các kỹ thuật phân tích: INAA, RNAA, PGNAA, đo hoạt độ phóng xạ thấp, nhấp nháy lỏng, sắc ký lỏng, sắc ký khí, quang phổ hấp thụ nguyên tử, quang phổ nguồn plasma cảm ứng cao tần kết nối khối phổ, sắc ký ion, cực phổ, quang phổ kế vùng khả kiến và tử ngoại, quang kế ngọn lửa, huỳnh quang kế, ... Các phương pháp phân tích cho phép phân tích đến 70 nguyên tố và chỉ tiêu khác nhau, đáp ứng tốt nhu cầu phân tích trong các lĩnh vực địa chất, điều tra thăm dò tài nguyên khoáng sản, dầu khí, nông nghiệp, sinh học và môi trường, ... Trong 35 năm qua, trên 100.000 mẫu các loại đã được phân tích. Hiện nay, mỗi năm Viện làm dịch vụ phân tích cho các ngành khoảng 60.000 chỉ tiêu phân tích khác nhau. Viện đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP của Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giấy chứng nhận VIMCERTS của Bộ Tài nguyên và Môi trường; các phòng thí nghiệm của Trung tâm Phân tích (VILAS-519) và Trung tâm Môi trường (VILAS-525) được công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

4. Các phương pháp phân tích hạt nhân và hỗ trợ tại Viện NCHN đã rất hữu hiệu trong nghiên cứu và cảnh báo môi trường, đặc biệt là đánh giá ô nhiễm môi trường do tác động sản xuất của công nghiệp. Đến cuối năm 2018, trên 20.000 mẫu môi trường đã được thu góp, phân tích và lưu trữ. Các số liệu này đã đóng góp vào việc hình thành tập hợp số liệu về môi trường của cả nước. Trạm quan trắc môi trường do Viện quản lý được công nhận là trạm vùng thuộc mạng lưới quan trắc phóng xạ môi trường Quốc gia từ năm 1998. Viện có đủ khả năng và tiềm lực để thực hiện các nhiệm vụ về thiết lập và quản lý các trạm quan trắc môi trường tại các cơ sở hạt nhân trong cả nước.

Trạm quan trắc môi trường trong khuôn viên của Viện NCHN 

5. Các đồng vị phóng xạ môi trường (7Be, 210Pb, 137Cs, ...) đã được ứng dụng để đánh giá quá trình bồi lắng, suy giảm tuổi thọ các hồ thủy lợi, thủy điện; đánh giá xói mòn, mất dinh dưỡng đất, ... Kinh nghiệm trong nghiên cứu môi trường của Viện đã được phát triển trở thành hướng dịch vụ về đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư, các công trình giao thông, xây dựng của khu vực phía Nam trong nhiều năm qua.

6. Viện đã thành công trong các nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ để bảo quản, khử trùng và biến tính vật liệu. Viện sản xuất và cung cấp các loại chế phẩm phục vụ các ngành nông-sinh-y như OLICIDE, nano bạc/chitosan để phòng và trị nấm bệnh cây trồng, T&D kích thích tăng trưởng thực vật, nano curcumin/chitosan để làm lành vết thương; các loại polymer trương nước, polymer chịu nhiệt độ và áp suất cao,... Hướng ứng dụng công nghệ bức xạ chế tạo các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường cũng được thực hiện.

7. Trong lĩnh vực Sinh học phóng xạ, Viện đã nghiên cứu thành công việc sử dụng bức xạ gamma gây đột biến tạo giống cây trồng (giống cây ăn quả không hạt) và các loài hoa mới. Công nghệ nhân giống in-vitro được thực hiện đối với một số cây hoa và cây trồng đặc sản quý hiếm để cung cấp giống sạch bệnh cho nông dân. Công nghệ trồng nấm, đặc biệt là một số loại nấm dược liệu quý đã được nghiên cứu và chuyển giao quy trình nuôi trồng cho nông dân. Ngoài ra, nghiên cứu, chế tạo bộ tiêu bản hiển vi nhiễm sắc thể người bình thường và bất thường để phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông trung học được triển khai hiệu quả. Viện cũng đang tham gia vào việc bảo tồn giống, bảo tồn đa dạng tài nguyên sinh học thực vật của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

8. Trong lĩnh vực thiết bị điện tử, Viện đủ năng lực bảo dưỡng nhiều loại thiết bị điện tử, đặc biệt là thiết bị điện tử hạt nhân, bao gồm cả hệ thống điều khiển và công nghệ lò phản ứng; thiết kế, chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân dùng cho y tế, địa chất, hệ điều khiển hạt nhân dùng cho công nghiệp, các khối điện tử của hệ phổ kế hạt nhân dùng cho dịch vụ, nghiên cứu và đào tạo, các máy đo tuổi vàng bằng kỹ thuật huỳnh quang tia X cho các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý, ... Các kỹ thuật DSP, FPGA được nghiên cứu và phát triển để xây dựng các hệ đo, hệ phổ kế gamma phục vụ nghiên cứu vật lý và cấu trúc hạt nhân trên lò phản ứng.

9. Một kết quả nổi bật khác là phát triển thành công các phương pháp định liều lượng bức xạ, bao gồm nhiệt phát quang, quang phát quang; kiểm soát bức xạ, xử lý và quản lý thải phóng xạ. Những nhiệm vụ này không những giúp đảm bảo an toàn cho nhân viên của Viện và môi trường xung quanh mà còn giúp đảm bảo an toàn bức xạ cho trên 6.000 nhân viên bức xạ mỗi năm của trên 500 cơ sở bức xạ trong nước.

Kỹ thuật định liều bằng đánh giá sai hình nhiễm sắc thể tế bào lympho máu đã được áp dụng để xác định liều chiếu cá nhân trong các trường hợp sự cố về bức xạ tại một số công ty trong nước, giúp ổn định về tư tưởng cho các công nhân.

Hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ, kiểm định các thiết bị X-quang y tế cũng là dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử mà Viện đã thực hiện thường xuyên trong nhiều năm nay.

Định liều bức xạ cá nhân chiếu ngoài bằng TLD trên máy đọc Rexon UL-320

10. Hiệu quả về đào tạo đội ngũ cán bộ: Qua việc thực hiện các đề tài/nhiệm vụ KH-CN, các dự án trong và ngoài nước, đội ngũ cán bộ của Viện tiếp tục được bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, kinh nghiệm và độ thuần thục nghề nghiệp; về mặt học vị, đến nay nhiều cán bộ đã đạt trình độ sau đại học (trên 20 Tiến sĩ và 60 Thạc sĩ). Hàng năm, Viện đào tạo từ 5-7 NCS thuộc các chuyên ngành Vật lý hạt nhân và Hóa phân tích; đồng thời hỗ trợ các cơ sở khác trong nước đào tạo bậc đại học và sau đại học các chuyên ngành vật lý, hóa học, sinh học và môi trường (khoảng 12-15 sinh viên làm khóa luận văn tốt nghiệp Đại học và 7-10 học viên làm luận văn Thạc sĩ). Mở các lớp đào tạo, tập huấn về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực công-nông nghiệp và môi trường, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, ứng phó sự cố bức xạ, công nghệ lò phản ứng, ...

Viện NCHN đã có những đóng góp nhất định vào việc xây dựng tiềm lực vật chất, kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho sự phát triển của Ngành, góp phần hình thành và mở rộng thị trường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hạt nhân, là nền tảng cần thiết và niềm tin vững chắc để tham gia vào Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân với Lò phản ứng nghiên cứu mới, đa chức năng, công suất cao.

 

 

Lượt xem: 2428

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 6

Lượt truy cập: 1048162