Thứ sáu, 13/08/2021 16:56 GMT+7

Quan trắc phóng xạ trên đất liền và biển tại Fukushima

Theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), các phòng thí nghiệm quan trắc phóng xạ trong nước biển, trầm tích và cá gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi tại Nhật Bản tiếp tục đưa ra những dữ liệu đáng tin cậy. Trong khi đó, để chứng minh tính an toàn của khu vực này, Công ty Điện lực Tokyo còn có kế hoạch nuôi cá trong vùng nước đã qua xử lý phóng xạ từ nhà máy. Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Trường Đại học Georgia cũng cho thấy mức độ nhiễm bẩn phóng xạ ở khu vực quanh nhà máy Fushima có thể đo được thông qua loài rắn sống ở khu vực này.

Các mẫu nước biển được lấy gần nhà máy Fukushima Daiichi (Ảnh: IAEA)

Từ năm 2014, IAEA đã tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ thu góp mẫu môi trường biển nhằm thực hiện đo so sánh các kết quả phân tích phóng xạ giữa các phòng thí nghiệm. Giai đoạn đầu Dự án đảm bảo chất lượng và độ tin cậy trong quan trắc môi trường biển được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016. Kết quả là Nhật Bản đã đưa ra các số liệu đáng tin cậy từ các mẫu môi trường biển lấy ở gần Nhà máy điện Fukushima Daiichi.

Trong giai đoạn hai của dự án, IAEA đã thực hiện hàng loạt các hoạt động tập trung vào chất lượng số liệu quan trắc môi trường biển, bao gồm phân tích so sánh liên phòng thí nghiệm (ILCs) đối với các mẫu nước biển, trầm tích và cá được thu thập gần nhà máy điện Fukushima Daiichi thuộc 4 nhiệm vụ lấy mẫu từ năm 2017 đến năm 2020.

ILCs gồm những phòng thử nghiệm và phân tích mẫu riêng biệt, sau khi thực hiện phân tích so sánh, các kết quả cũng như quy trình phân tích được đánh giá để xác định độ tin cậy và tính chính xác của chúng. Các mẫu vật được thu thập trong giai đoạn hai của dự án được phân tích tại 12 phòng thí nghiệm ở Nhật Bản, Phòng thí nghiệm Môi trường của IAEA tại Monaco và 2 phòng thí nghiệm thành viên (ở Canada và Thụy Sĩ) thuộc mạng lưới các phòng thí nghiệm phân tích về ghi đo phóng xạ môi trường.

Dựa trên kết quả của ILCs, IAEA có thể khẳng định rằng các quy trình thu góp mẫu của Nhật Bản đã tuân theo các phương pháp luận phù hợp cần thiết để thu được các mẫu đại diện. Hơn nữa, các kết quả thu được đủ chứng minh về độ chính xác và năng lực phân tích cao của các phòng thí nghiệm Nhật Bản trong lĩnh vực quan trắc và phân tích phóng xạ môi trường biển.

Ông Florence Descroix-Comanducci, Giám đốc phòng thí nghiệm môi trường của IAEA ở Monaco cho biết: “Có thể kết luận rằng hơn 97% kết quả thu được không có sự khác biệt đáng kể và điều này cho thấy các phòng thí nghiệm của Nhật Bản đã tham gia có đủ năng lực đảm bảo phân tích chính xác các mẫu. Các kết quả cũng chứng minh độ nhất quán cao giữa các phòng thí nghiệm của Nhật Bản với các phòng thí nghiệm ở các nước khác và IAEA".

Dự án hợp tác giữa IAEA với Nhật Bản về vấn đề đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của số liệu phân tích trong quan trắc biển được kéo dài thêm hai năm nữa để tiến hành bổ sung và đánh giá độ thành thục dựa trên các công việc đã hoàn thành của ILCs.

Tác động trên đến sinh vật biển

Tại khu vực nhà máy Fukushima Daiichi, nước bị nhiễm phóng xạ được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), hệ thống này loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ, ngoại trừ triti. Nước đã qua xử lý hiện được chứa trong trong các bồn chứa nằm trong khuôn viên nhà máy. Tổng dung tích bể chứa khoảng 1,37 triệu mét khối. Tính đến ngày 15 tháng 7, gần 1,27 triệu tấn nước thải đã qua xử lý được chứa trong các bể chứa. Tất cả các bể chứa dự kiến ​​sẽ đầy vào mùa hè năm 2022.

Vào tháng 4, chính phủ Nhật Bản thông báo quyết định xả nước đã qua xử lý tại Nhà máy Fukushima Daiichi ra biển. Chính sách cơ bản yêu cầu việc xả nước thải đã qua xử lý bằng ALPS phải tuân thủ đầy đủ quy định và luật pháp, đồng thời các biện pháp giảm thiểu tác động xấu cũng phải được áp dụng triệt để.

Nhật Bản dự định bắt đầu xả nước đã qua xử lý vào đầu năm 2023 và công việc này có thể kéo dài hàng thập kỷ.

Công ty Điện lực Tokyo đã công bố kế hoạch nuôi cá, sò và rong biển bằng nước biển có chứa nước được xử lý bằng ALPS. Cuộc thử nghiệm nhằm mục đích giảm bớt lo ngại về an toàn đối với việc xả nước thải phóng xạ ra biển. Thông tin về những bất thường liên quan đến sức khỏe, cũng như tỷ lệ nở của trứng và tỷ lệ sống của cá trưởng thành được thu thập, sau đó so sánh hoạt độ của các chất phóng xạ, bao gồm cả triti, trong nước và cơ thể của các vật nuôi. Quá trình thử nghiệm dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào quý 2 năm 2022.

Dựa trên thụ thể của của loài bò sát để theo dõi mức độ phóng xạ xung quanh nhà máy Fukushima

Trong khi đó, một nghiên cứu từ Đại học Georgia (UGA) đã chỉ ra rằng nhiễm bẩn phóng xạ xung quanh nhà máy Fukushima có thể đo lường được thông qua việc theo dõi rắn. Rắn săn chuột di chuyển những quãng đường ngắn và có thể tích tụ lượng hạt nhân phóng xạ cao, khiến chúng trở thành một chỉ thị sinh học hiệu quả đối với chất phóng xạ còn sót lại tồn dư.

Theo các nhà nghiên cứu, việc di chuyển hạn chế của loài rắn và tiếp xúc gần với đất bị ô nhiễm là những yếu tố quan trọng giúp chúng phản ánh mức độ ô nhiễm khác nhau trong khu vực. Những con rắn được theo dõi chỉ di chuyển trung bình 65 mét mỗi ngày.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 9 con rắn bằng cách sử dụng máy phát GPS kết hợp với theo dõi tần số cao. Qua theo dõi trong hơn một tháng, các nhà nghiên cứu đã xác định được 1718 vị trí của những con rắn ở Cao nguyên Abukuma, cách nhà máy Fukushima Daiichi khoảng 15 dặm về phía Tây Bắc.

Kết quả của nghiên cứu mới củng cố thêm cho nghiên cứu trước đó của nhóm được công bố vào năm 2020, cho thấy hàm lượng phóng xạ cesium trong rắn có mối tương quan cao với hàm lượng phóng xạ trong đất nơi rắn bị bắt.

Ông James Beasley, phó giáo sư tại Phòng thí nghiệm sinh thái sông Savannah của UGA (SERL) và Trường Lâm nghiệp và Tài nguyên Thiên nhiên Warnell cho biết: Rắn là loài chỉ thị tốt về ô nhiễm môi trường vì chúng sống nhiều trong đất, phạm vi sống hẹp và là những kẻ săn mồi chính trong hầu hết các hệ sinh thái, và chúng thường là những loài sống tương đối lâu.

Theo Hanna Gerke, một cựu sinh viên của SERL và Warnell cho biết: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng hành vi của động vật có tác động lớn đến việc phơi nhiễm phóng xạ và tích tụ chất gây ô nhiễm. Việc nghiên cứu các loài động vật cụ thể sinh sống tại các vùng đất bị ô nhiễm giúp chúng ta tăng cường hiểu biết về tác động môi trường từ các tai nạn hạt nhân lớn như Fukushima và Chernobyl.

 

Biên dịch: Lê Thị Hiền

Nguồn tin:  World Nuclear News

Lượt xem: 764

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 4

Lượt truy cập: 1073765