Thứ ba, 26/03/2019 11:43 GMT+7

Hội thảo khoa học về vận hành, sử dụng và thiết kế lò phản ứng nghiên cứu

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm đưa lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào vận hành sau khi khôi phục, mở rộng và tái khởi động, sáng ngày 20/3/2019, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân đã diễn ra Hội thảo về “Vận hành, sử dụng và tính toán thiết kế lò phản ứng nghiên cứu”, với sự tham dự của gần 90 cán bộ khoa học trong ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam và một số cán bộ quản lý, doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai. TS Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, TS Trần Chí Thành, Viện trưởng và TS Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cùng nhiều lãnh đạo của các Viện, Trung tâm trực thuộc Viện NLNTVN cũng tham dự Hội thảo.

TS Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện NCHN trình bày báo cáo

Tại Hội thảo, có 7 báo cáo được trình bày nhằm trao đổi các kết quả và kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và khai thác lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; và tính toán thiết kế lò phản ứng nghiên cứu mới cho Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.

TS Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham dự Hội thảo

Qua Hội thảo đã khẳng định, bằng việc quản lý, vận hành an toàn và khai thác hiệu quả lò phản ứng và một số thiết bị khoa học khác, sau 35 năm Viện NCHN đã hình thành 11 hướng nghiên cứu, sản xuất và dịch vụ thuộc các lĩnh vực: Vật lý và kỹ thuật lò phản ứng, Vật lý hạt nhân, Điện tử hạt nhân và điều khiển lò phản ứng, An toàn bức xạ, Quản lý và xử lý thải phóng xạ, Quan trắc phóng xạ môi trường, Nghiên cứu và điều chế dược chất phóng xạ, Phát triển các kỹ thuật phân tích, Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu môi trường, Công nghệ bức xạ, và Công nghệ sinh học. Hội thảo đặc biệt nhấn mạnh đến 4 lĩnh vực, đó là: 1) Điều chế và cung cấp dược chất phóng xạ cho y tế, từ một vài chủng loại với vài chục Ci mỗi năm trong những năm đầu (1984-1989) mới đưa lò phản ứng vào vận hành cung cấp cho 2 khoa Y học hạt nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bạch Mai, đến nay đã sản xuất và cung cấp hàng trăm Ci với 30 loại đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ khác nhau cho khoảng 25 khoa Y học hạt nhân trong nước và xuất khẩu sang Cam-pu-chia, với tổng cộng 7.700 Ci dược chất phóng xạ chủ yếu là I-131 dạng dung dịch, viên nang và các hợp chất đánh dấu, Tc-99m dạng máy phát từ Mo phân hạch, P-32 dạng dung dịch và tấm áp đã cung cấp cho các bệnh viện để chẩn đoán và điều trị cho khoảng 500.000 lượt bệnh nhân mỗi năm; 2) Phát triển và ứng dụng các kỹ thuật phân tích hạt nhân phục vụ các ngành công nghiệp, địa chất, khảo cổ, điều tra pháp lý, môi trường, lương thực - thực phẩm, y - sinh học, nông nghiệp, đã có tổng cộng khoảng 26.000 mẫu với hơn 300.000 chỉ tiêu được phân tích; 3) Nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân sử dụng các kênh ngang của lò phản ứng để cung cấp số liệu hạt nhân mới cho cộng đồng quốc tế và công bố các công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín; 4) Tính toán về neutron và thủy nhiệt lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để quản lý nhiên liệu, thiết kế cấu hình vùng hoạt để chuyển đổi nhiên liệu lò phản ứng từ uranium độ giàu cao (36% U-235) sang độ giàu thấp (19,75 %). Từ kinh nghiệm đó đã có khả năng tính toán thiết kế cấu hình vùng hoạt cho lò phản ứng nghiên cứu mới công suất dự kiến 10 MWt của Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hướng nghiên cứu phát triển và một số kinh nghiệm trong thiết kế và xây dựng các hạng mục của công trình khôi phục lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để chịu động đất đến trên 7 độ Richter cũng được trình bày và trao đổi tại Hội thảo.

PGS. TS Nguyễn Nhị Điền tổng kết Hội thảo

Qua trao đổi, các đại biểu đã nhấn mạnh và thống nhất rằng, để dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới phát huy hiệu quả, yếu tố con người cần phải quan tâm hàng đầu. Qua thực tế 35 năm vận hành và khai thác lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cũng đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ có trình độ và kinh nghiệm để tham gia thực hiện dự án lò phản ứng nghiên cứu mới. Tuy vậy, để khai thác hiệu quả lò phản ứng nghiên cứu mới thì cần đào tạo cho các lĩnh vực mới như nghiên cứu khoa học vật liệu, kỹ thuật đánh giá không phá hủy, kỹ thuật chụp ảnh neutron, sản xuất các chủng loại đồng vị và dược chất phóng xạ mà không có khả năng thực hiện trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Hội thảo cũng kiến nghị Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, là cơ quan sẽ quản lý và vận hành lò phản ứng cần sớm xây dựng một chiến lược sử dụng và mục tiêu dài hạn cho dự án lò phản ứng nghiên cứu mới, từ đó có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực để tham gia vào thiết kế cơ sở của giai đoạn nghiên cứu khả thi, cũng như thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công và cả trong quá trình xây dựng, kiểm tra và đưa lò phản ứng vào vận hành.

Hội thảo thực sự là diễn đàn bổ ích và là cơ hội rất tốt để các cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật và quản lý có thêm các thông tin, kiến thức và kinh nghiệm trong tính toán thiết kế lò phản ứng cũng như để đề xuất các lĩnh vực có thể ứng dụng trên lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu của Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân trong tương lai.

                                                                       

Tác giả bài viết: Nguyễn Thúy Quỳnh; ảnh: Lê Minh Tuấn

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu hạt nhân

Lượt xem: 818

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 2

Lượt truy cập: 1067564