Thứ tư, 05/12/2018 10:25 GMT+7

Khóa đào tạo của IAEA về “Sử dụng đồng vị phóng xạ rơi lắng và đồng vị bền để nghiên cứu chất lượng đất” tại Viện Nghiên cứu hạt nhân

 

Các học viên, giảng viên và Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm tại buổi khai mạc khoá đào tạo

Với các hiệu quả thu được từ dự án hợp tác vùng Châu Á – Thái Bình Dương IAEA/RCA/RAS 5/055 “Cải thiện chất lượng, năng suất đất và giảm thiểu suy thoái đất”, Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đã được IAEA đánh giá cao và đề nghị tiếp tục tham gia vào dự án kế tiếp là IAEA/RCA/RAS 5/084 “Sử dụng các kỹ thuật hạt nhân để đánh giá và cải thiện chất lượng đất và nước nhằm giảm thiểu suy thoái đất và nâng cao năng suất cây trồng”(Assessing and Improving Soil and Water Quality to Minimize Land Degradation and Enhance Crop Productivity Using Nuclear Techniques), thời gian thực hiện từ 2018 – 2021. Dự án này sẽ tập trung vào việc xây dựng năng lực của các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phục vụ đánh giá và cải thiện chất lượng đất và nước nhằm giảm thiểu suy thoái đất và tăng năng suất cây trồng bằng cách sử dụng các đồng vị phóng xạ rơi lắng và đồng vị bền. Qua đó, góp phần đánh giá và đề xuất các biện pháp bảo vệ và quản lý môi trường đất và nước.

TS. Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện NCHN, Trưởng Ban tổ chức phát biểu khai mạc khoá đào tạo

Trong khuôn khổ Dự án RAS 5/084, từ ngày 06/8 đến ngày 10/8/2018, tại Viện NCHN đã diễn ra khóa đào tạo vùng Châu Á – Thái Bình Dương với chuyên đề: “Ứng dụng các đồng vị phóng xạ rơi lắng và đồng vị bền để nghiên cứu chất lượng đất và xói mòn đất” do Viện NCHN đăng cai tổ chức. Tham gia khoá đào tạo gồm 21 thành viên đến từ 13 quốc gia, gồm: Bangladesh, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Khóa đào tạo do 01 chuyên gia của IAEA là Giáo sư Yong Li và các cán bộ Trung tâm Môi trường – Viện Nghiên cứu hạt nhân trực tiếp hướng dẫn.

Mục đích của khóa đào tạo này là cung cấp các kiến thức về kỹ thuật sử dụng đồng vị phóng xạ rơi lắng trong nghiên cứu xói mòn gồm: mục đích và phương pháp đo đạc xói mòn đất; nguyên lý của phương pháp sử dụng Cs-137 trong nghiên cứu xói mòn; chiến lược lựa chọn và lấy mẫu; chuẩn bị mẫu, đo đạc và phân tích dữ liệu; giải thích kết quả. Các học viên cũng đã được đi thực địa đến một số vị trí nghiên cứu điển hình để thực hành về xác định vị trí nghiên cứu, thiết kế lấy mẫu, kỹ thuật lấy mẫu, chuẩn bị mẫu, phân tích mẫu đất trên hệ phổ kế gamma. Cũng trong khóa học, các học viên đã chia sẻ hiện trạng nghiên cứu xói mòn tại các nước và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu sử dụng các đồng vị phóng xạ rơi lắng trong đánh giá xói mòn.

ThS Lê Như Siêu, Giám đốc TTMT đang hướng dẫn các học viên về phương pháp thực hành đo mẫu

Kỹ thuật hạt nhân có thể cung cấp thông tin chính xác về tốc độ xói mòn và chỉ ra các khu vực bị suy thoái đất. Những thông tin này sẽ rất hữu ích cho các nhà quản lý và hỗ trợ nông dân trong việc hạn chế tình trạng xói mòn, suy thoái đất; tận dụng nguồn chất dinh dưỡng trong đất và phân bón trong canh tác.

Một số hình ảnh của khoá đào tạo:

Học viên đang thực hành lấy mẫu đất

 

Các học viên nhận chứng chỉ hoàn thành khoá đào tạo

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hương Lan, Ảnh: Lê Minh Tuấn

Nguồn tin: Viện Nghiên cứu hạt nhân

 

Lượt xem: 2066

Đa phương tiện

Xem thêm

Liên kết website

Khách online: 8

Lượt truy cập: 1066673